Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ đề phòng Covid-19.


Dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất cứ đâu nếu chủ quan, lơ là, mất cảnh giác (ảnh minh họa)

Tối 25-5, UBND TP.HCM có thông báo khẩn về kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp Ban Chỉ đạo TP về phòng chống dịch Covid-19 ngày 24-5.

Thông báo nêu rõ, trước diễn biến mới, phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, để giữ vững những kết quả phòng chống dịch, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP tại công văn số 1641/UBND-VX ngày 21-5 về tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ đề phòng Covid-19.

Quán triệt đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị khi có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở nên ở nhà, không đến cơ quan và cần thực hiện theo hướng dẫn  của cán bộ y tế. Khách đến cơ quan công sở liên hệ công tác, làm việc phải khai báo y tế.

Mỗi cơ quan đơn vị phải thành lập một tổ an toàn Covid-19 để kiểm soát y tế hành khách ra vào cơ quan. Phát huy cao độ tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những công việc liên quan đến phòng, chống dịch phải được giải quyết nhanh.

Trong thông báo, Chủ tịch UBND TP còn yêu cầu tổ chức giãn cách  mật độ mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ đầu mối… theo hướng mua từng nhóm, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m và hạn chế tối đa tập trung đông người.

Đẩy mạnh công tác hậu kiểm công tác phòng chống dịch tại các điểm nguy cơ mà ngành y tế đã xác định: chợ truyền thống, chung cư, nhà trọ, trước cổng bệnh viện, nhà ga, bến xe, và các khu vực tập trung đông người.

Bên cạnh những yêu cầu trên, Chủ tịch UBND TP còn giao một số công việc cụ thể đến các sở ngành, địa phương. Trong đó, Chủ tịch UBND TP giao ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế và chính quyền địa phương nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ vào làm việc buổi sáng và tan ca cuối chiều nhằm giảm mật độ người tụ tập quá đông cùng một thời điểm.

Tại những nơi này, tổ chức diễn tập phương án ứng phó tình huống xảy ra dịch bệnh. Phối hợp thường xuyên với ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại các phường, xã, thị trấn lân cận để kiểm tra, giám sát, liên hệ chủ nhà trọ, nhắc nhở người thuê trọ thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Theo UBND TP.HCM, hiện nay tình hình dịch bệnh trong nước còn diễn biến phức tạp với nhiều chuỗi lây nhiễm, nhiều nguồn lây, nhiều biến chủng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ngày 24-5 là ngày thứ 10 liên tiếp nước ta ghi nhận trên 100 trường hợp nhiễm mỗi ngày, nâng tổng số ca nhiễm từ ngày 27-4 đến nay lên 2.221 trường hợp, trong đó tiêu điểm vẫn là khu công nghiệp với 1.474 trường hợp.

Tại TP.HCM, trong tuần qua đã ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng  với 5 trường hợp nhiễm mới sau hơn 20 ngày không xuất hiện ca nhiễm. Kết quả giải trình tự gen của Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM cho thấy, TP đang phải ứng phó cùng lúc với 2 biến thể của vi-rút  SARS-CoV-2 của Anh và Ấn Độ, đều là những biến thể có độ nguy hiểm cao, tần suất lây lan nhanh và khó chữa trị.

Mặc dù TP đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng thủ sang tấn công, đến nay cơ bản kiểm soát dịch bệnh nhưng nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất lớn, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, bất cứ đâu nếu sơ suất, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Nguyễn Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)