Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiết dự giờ sinh hoạt lớp

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi đến lớp 12A5 (chuyên hóa) dự giờ sinh hoạt lớp cuối tuần mà không báo trước. Cô chủ nhiệm đang nhận xét tình hình lớp trong tuần qua. Tuần này, theo bên thi đua của Đoàn trường đánh giá, sau khi trừ điểm vi phạm, lớp 12A5 đứng hạng 24/25 lớp.

Còn nhớ những ngày mới vô học lớp 10 trường chuyên, các em tỏ ra hồ hởi, tự hào vì được vào học một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Các phong trào thi đua học tập, rèn luyện đã được các em hưởng ứng, tham gia nhiệt tình. Vậy mà nay lên lớp 12, sự phấn đấu của các em chững lại rõ rệt. Lẽ ra lớp “đàn anh đàn chị” phải làm gương cho lớp 10, lớp 11 thì các em không làm được điều đó. Nào trốn giờ chào cờ, nào nghỉ học không phép, nào đi học trễ, nào không vệ sinh lớp sạch sẽ, để lớp hôi hám… Không những vậy, bây giờ các em còn tỏ thái độ không chịu học những môn… không đăng ký thi ĐH (mặc dù chương trình chưa hết). Đến các giờ “ngoài vùng đăng ký” này, nhiều học sinh nằm gập người lên bàn, chẳng chịu học hành, nghe giảng gì cả. Không biết các trường khác có xảy ra tình trạng này hay không?

Với các bộ môn xã hội nói chung và bộ môn lịch sử, địa lý nói riêng, hầu như ít học sinh đăng ký trong “tổ hợp” thi của các em. Những giờ học của các bộ môn này thật ảm đạm vì các em đâu còn muốn học nữa do đâu có thi. Chỉ có môn ngữ văn thi bắt buộc nên “bắt buộc” các em phải học (Nếu bỏ môn này chắc các em sẽ vỗ tay nhiều hơn)! Cô chủ nhiệm phân tích rằng: thái độ như vậy là coi thường giáo viên. Trong lúc chương trình học chưa hết, chúng ta vẫn cần điểm bộ môn, điểm bình quân để dự thi sau này.

Đầu tháng 3 này, các trường đang chạy nước rút để kết thúc chương trình sớm nhằm dành nhiều thời gian cho việc ôn thi. Nhưng dù coi nặng hay coi nhẹ bộ môn nào, cuối cùng các em vẫn có được một bảng điểm “đẹp” để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Bảng điểm “đẹp” đó có phản ánh đúng thực lực của học sinh không? Chỉ có bản thân các em trả lời thì mới chính xác.

Một tiết dự giờ sinh hoạt lớp đã “mở” ra cho tôi nhiều câu chuyện dài và không kém phần… chua chát.

Thạch Hoài Lam

Bình luận (0)