Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiết học hóa từ cuộc sống

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh không phải ngồi viết phương trình mà được “du hí” qua các di tích lịch sử hay tìm hiểu thông tin thời sự về vấn đề ô nhiễm môi trường thông qua phương pháp Bàn tay nặn bột.

Học sinh đặt câu hỏi tại tiết học

Đó là tiết dạy học Môi trường không khí ở khối lớp 12 của thầy Huỳnh Thanh Phú, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM).

Người thầy lui về “hậu trường”

Với phương pháp Bàn tay nặn bột, người thầy không còn nắm vai trò trung tâm trong giảng dạy mà lui về “hậu trường” để khơi gợi học sinh chủ động tìm kiếm tri thức. Phương pháp này đã được giáo viên các trường tiểu học và THCS áp dụng nhưng với giáo viên THPT thì lại khá hiếm. Qua tìm tòi, nghiên cứu, thầy Phú thấy rằng phương pháp này rất có ích cho việc đổi mới dạy học, lấy học sinh làm trung tâm – giáo viên là người hướng dẫn để trò tự tìm đến tri thức, chinh phục tri thức nên thầy quyết định thực hiện một bài giảng theo phương pháp này để các giáo viên trong trường có thể áp dụng.

“Tôi nghĩ rằng đừng nên đặt nặng vấn đề thời gian mà phải làm sao đổi mới cách dạy, một bài giảng học sinh có thể tích hợp được nhiều kiến thức ở các môn khác…”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Quả thật, trong tiết dạy học, thầy Phú chỉ “xuất hiện” khoảng 20 phút nhưng học sinh vẫn nắm vững kiến thức và còn hứng khởi khi trình bày các vấn đề do mình chuẩn bị. Mở đầu tiết dạy, thầy Phú dẫn dắt học sinh thăm một vài thắng cảnh của quê hương qua những bức ảnh để thấy được thiên nhiên Việt Nam đẹp như thế nào. Tiếp đó là những cảnh đẹp này bị phá hủy ra sao khiến học sinh tò mò. Sau đó, thầy đưa ra kết quả trắc bụi CO2 được Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát trong 6 tháng gần đây tại TP.HCM khiến vấn đề mang tính thời sự, phản ánh cao.

Phần chính của bài học, thầy Phú chia lớp thành 4 nhóm để nói về thực trạng, nguyên nhân, tác hại cũng như các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Bốn nhóm lên trình bày không chỉ là thuyết trình suông mà còn đưa ra những dẫn chứng sinh động bằng các đoạn clip. Có nhóm còn diễn kịch, đóng vai một chuyên gia môi trường nói bằng tiếng Anh lưu loát rồi dịch ra tiếng Việt để những học sinh bên dưới đặt câu hỏi. Cuối cùng, thầy Phú dành khoảng 10 phút để nhận xét bài thuyết trình của các nhóm, những ưu điểm và hạn chế cần khắc phục…

Cả bài học không hề đưa ra một phương trình nào nhưng học sinh lại nhớ rất rõ về những tính chất hóa học, những biến đổi của các chất trong không khí khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề.

Một tiết dạy học trên lớp, trong đó người thầy chỉ xuất hiện thời gian ngắn nhưng đã mang lại cho các em học sinh nhiều kiến thức bổ ích để từ đó có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường…

Học sinh phát huy nhiều kỹ năng

Điểm nhấn của bài giảng là ngoài kiến thức về bài học, quá trình chuẩn bị và thực hiện nội dung bài học đã giúp học sinh trang bị cho mình rất nhiều kỹ năng.

Em Bành Mỹ Mỹ (lớp 12A8) phấn khởi: “Ở mỗi nhóm chúng em chia ra thành những bộ phận khác nhau, người tìm kiếm thông tin, người thuyết trình, người làm PowerPoint, người cắt ghép clip… Chúng em chỉ có 10 ngày chuẩn bị nhưng qua quá trình thu thập tư liệu, chúng em không chỉ hiểu kiến thức mà còn có nhiều kỹ năng như kỹ năng thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin, xử lý tình huống…”. Đồng tình với ý kiến này, em Lý Ngọc Hà (học cùng lớp) chia sẻ: “Em được phân công mảng dựng clip, qua quá trình cắt ghép, em có thêm kỹ năng về công nghệ thông tin. Khi thực hiện xong bài học, không chỉ có em mà cả lớp đều cảm thấy rất thú vị bởi tiết học đầy sinh động, cuốn hút, ai cũng phấn khởi tham gia”.

Thông thường, bài học này chỉ dạy vỏn vẹn trong 45 phút nhưng với bài giảng này mất hết gần 2 tiết. Thầy Phú giải thích: “Năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới chương trình, áp dụng liên môn trong dạy học nên tôi nghĩ rằng đừng nên đặt nặng vấn đề thời gian mà phải làm sao đổi mới cách dạy, một bài giảng học sinh có thể tích hợp được nhiều kiến thức ở các môn khác. Trước khi thực hiện bài giảng, giáo viên đã đưa ra chủ đề để học sinh chia nhóm sử dụng sơ đồ tư duy, phim ảnh, báo chí, tư liệu… tìm hiểu kiến thức. Vì thế các em sẽ có cái nhìn tổng quát hơn…”.

Bài, ảnh: Dương Bình

 

Bình luận (0)