Vừa qua, tôi có dự giờ một tiết dạy hoạt động ngoại khóa ở lớp 3 do cô Nguyễn Thị Thắm (giáo viên Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM) thực hiện. Tiết dạy về văn hóa giao thông với bài “Khi người thân vừa nghe điện thoại vừa điều khiển phương tiện giao thông”. Tên bài dạy ngay từ đầu đã làm nhiều người dự thắc mắc vì vấn đề này thuộc về người lớn đâu phải của trẻ em. Thế nhưng, tiết dạy của cô Thắm đã làm người dự đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Học sinh được chia nhóm thảo luận một vấn đề trong bài học
Theo đó, tiết dạy của cô Thắm sinh động ngay từ đầu bởi học sinh hát sôi nổi một bài hát về chủ đề an toàn giao thông. Sau đó, cô đặt những câu hỏi về việc đi bộ đúng luật và bảo vệ an toàn cho bản thân mình. Khi vào bài mới, cô đã kể một câu chuyện hết sức thực tế. Học sinh chăm chú theo dõi bởi tình huống trong câu chuyện ấy, ít nhiều các em cũng đã từng gặp phải hay nhìn thấy. Câu chuyện kể về hai cha con bạn Thanh. Một hôm, cha của Thanh chở bạn ấy đi về nội dự đám giỗ. Trên đường đi, điện thoại reo, người cha đã lấy điện thoại ra nghe. Vì tập trung nghe điện thoại, đến ngã ba, một chiếc ô tô rẽ phải, người cha không chú ý đã húc vào phía sau xe ô tô ấy. Ông và Thanh phải vào bệnh viện vì bị thương do té. Tình huống trong câu chuyện như thực tế xảy ra hàng ngày nên các em đã tích cực tham gia trả lời câu hỏi của giáo viên. Đặc biệt với câu hỏi: “Nếu em thấy người thân vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, em sẽ làm gì?”, học sinh đã có nhiều ý kiến trả lời mà người lớn cần phải lắng nghe như: nhắc người thân dừng xe lại rồi mới nghe điện thoại, nếu nói chuyện lâu cần dắt xe lên lề đường nghe điện thoại để không cản trở lưu thông trên đường, nếu thấy cuộc gọi không quan trọng thì đến nơi gọi lại, nếu cuộc gọi của người trong gia đình có thể đưa người ngồi sau nghe… Cuối tiết học, cô giáo đã cho học sinh đọc một bài vè theo nhịp vỗ tay, theo nhạc “Nghe vẻ, nghe ve/ Nghe vè điện thoại/ Thật là tai hại/ Khi điều khiển xe/ Vừa lái vừa nghe/ Chở theo con trẻ/ Hiểm nguy có thể/ Rình rập đâu đây/ Xin hãy dừng ngay/ Nếu không, quá trễ/ An toàn mọi lẽ/ Cho người, cho ta/ An vui mọi nhà/ Khi đi trên phố/ Ai ơi ghi nhớ/ Ve vẻ, vè ve…
Được biết, tiết dạy này được cô Thắm xây dựng dựa trên tài liệu văn hóa giao thông dành cho học sinh lớp 3 thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Quả thật tiết học hết sức bổ ích, thiết thực. Chuyện người lớn vừa chạy xe vừa nghe điện thoại thực sự có thể gây ra tai nạn giao thông không chỉ cho chính bản thân người lớn mà còn cho cả trẻ em ngồi phía sau. Sau bài học này, các em sẽ có ý thức nhắc nhở cha mẹ, người thân không nên vừa nghe điện thoại vừa lái xe. Bài vè vui mà các em đọc cho cha mẹ, người thân nghe, nhất là đọc khi được người lớn chở các em, nó sẽ là một lời tuyên truyền về việc giữ gìn an toàn giao thông hiệu quả. Cần lắm những tiết học ngoại khóa như thế trong nhà trường hiện nay.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)