Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiết học không chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục không chỉ ở sách vở và trường học. Nếu giáo dục tách khỏi cuộc sống, thì học không đi liền với hành, cùng lắm chỉ để lấy được tấm bằng.

Bữa cơm chiều trở nên sôi động khi con trai tôi kể: “Hôm nay, cô Linh kể cho cả lớp nghe chuyện một chị học sinh lớp Chín bị các bạn gái bắt nạt và quay clip tung lên mạng”. Con tôi hiện đang học lớp Bốn, trường tiểu học công lập tại Q.10, TP.HCM. Đây không phải lần đầu tiên cô giáo chia sẻ những câu chuyện xã hội vừa xảy ra cho các bạn nhỏ và dành cho các em thời gian tranh luận trước khi đưa ra hướng giải quyết.

Theo lời kể của con trai, tôi thấy con và các bạn nhỏ trong lớp đã học được rất nhiều kỹ năng cần thiết qua những câu chuyện xã hội như: cách thoát hiểm khi cháy, cách bảo vệ cơ thể trước người lạ, cách xứ lý khi hóc dị vật, cách phòng tránh bị bắt nạt… Quan trong hơn, con tôi học một cách háo hức.

Tiet hoc khong chu
Giáo dục không chỉ từ sách vở mà còn cần cả thực tế

– Vậy con nghĩ sao về chuyện bắt nạt bạn trong trường?
– Con thấy bắt nạt bạn là độc ác. Trong lớp con có mấy bạn yếu xìu mà không bị bắt nạt bao giờ. Nếu con thấy ai bị bắt nạt, con sẽ “méc” cô giáo.
– Còn khi con bị các bạn bắt nạt thì sao?
– Thì con sẽ về méc bố, bố con mạnh nhất.

Lời con trai khiến cả nhà phì cười, đồng thời cũng yên tâm là con đang sống trong một tập thể lớp học nhân ái. Tôi cũng đặt niềm tin rất nhiều vào cô Linh, một cô giáo còn rất trẻ nhưng khá tâm huyết với học trò. Từ đó có thể thấy rằng, muốn đổi mới giáo dục, hay đơn giản hơn là thay đổi cách dạy và học, thì thầy cô là yếu tố chính chứ không phải chương trình hay sách giáo khoa. Và, một điều nữa, đó là giáo dục không chỉ ở sách vở và trường học. Nếu giáo dục tách khỏi cuộc sống, thì học không đi liền với hành, cùng lắm chỉ để lấy được tấm bằng.

Bên cạnh các bài học văn, toán, lý, hóa, trẻ còn cần được học về cảm xúc – xã hội, chứ không chờ khi trưởng thành mới bắt đầu điều chỉnh những hành vi “có vấn đề”. Aristotle từng nói: “Chỉ giáo dục cái đầu mà không giáo dục trái tim tức là chẳng giáo dục gì cả”. Nếu chỉ tập trung vào dinh dưỡng và nhồi nhét kiến thức mà quên mất vai trò rất quan trọng của cảm xúc thì không thể giúp trẻ lớn lên lành mạnh và hạnh phúc. 

Mặt khác, trong hệ thống giáo dục còn nhiều bất cập, thì chúng ta nên cải cách từ đâu: từ triết lý giáo dục, từ sách giáo khoa hay từ khung chương trình? Có lẽ, thay đổi hợp lý nhất phải bắt đầu từ giáo viên. Vì giáo viên chính là người đưa triết lý giáo dục vào thực tế, là người thực hiện mục tiêu giáo dục từ chương trình khung và sách giáo khoa. Họ cũng là người trực tiếp dạy dỗ học sinh. Nếu giáo viên thiếu chủ động, sáng tạo, không có tình yêu thương đối với học trò thì cải cách giáo dục đến đâu cũng khó mà có được môi trường lớp học như cô Linh nói trên.  

Theo giáo sư – tiến sĩ Vương Thanh Sơn, Đại học British Columbia (Canada), ngày nay, người ta không gọi giáo viên là người dạy (teacher) mà là người cố vấn (educator) – giúp cho sự học của trò trở nên thuận lợi hơn. Giáo viên chỉ là người dẫn đường, giúp học trò khám phá, trải nghiệm và cảm nhận bằng chính các giác quan của mình. 

Trở lại câu chuyện cô Linh, những buổi trò chuyện của cô chắc hẳn sẽ giúp học sinh minh định đúng sai, không chạy theo đám đông cuồng nộ. Cái thiện là bản chất vốn có của một đứa trẻ, nhưng cái thiện đó chỉ có thể nảy mầm và phát triển tốt trong một môi trường trong lành. Khi xã hội còn đầy rẫy những điều tiêu cực, thì vai trò của giáo viên càng quan trọng hơn, trong việc khơi dậy sự tử tế tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, để trở thành “đề kháng” cho con trẻ trước những hành vi kém tử tế khác. 

Xuân Lộc/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)