“Đối với tiết học ngoài nhà trường (THNNT), không phải cứ đi xa tốn tiền mà ngay trong trường thôi, mở rộng ngoài không gian lớp học cũng là trải nghiệm. Điều quan trọng là tiết học phải công phu, không phải là đi chơi mà có mục tiêu cụ thể, rõ ràng”, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định như vậy tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vừa qua.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) tham gia tiết học ngoài nhà trường ngay tại vườn cây trong sân trường
THNNT được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai từ năm 2016 sau 2 năm soạn thảo chương trình thực tế (từ năm 2014), cho học sinh học tập gắn kiến thức với thực tế, phù hợp chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, nhiều trường vẫn còn “lấn cấn” trong cách thức thực hiện đối với hoạt động dạy học này.
Không đồng nhất với tham quan ngoại khóa
Theo ông Lê Duy Tân (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM), trước hết các trường phải coi đây là một nhiệm vụ dạy học. Bởi là một nhiệm vụ dạy học nên các trường phải công khai kế hoạch ngay từ đầu năm học đến phụ huynh để phụ huynh hiểu, tránh những hiểu lầm là nhà trường ép buộc học sinh tham gia vì khi tổ chức có thể có những chi phí phát sinh.
Để xây dựng được THNNT, theo ông Tân, các thầy cô giáo phải thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp, không ảnh hưởng đến các môn học khác. Do đó, ông Tân đề nghị lãnh đạo các trường quan tâm, xây dựng THNNT để làm sao cho gần gũi, gắn bó nhiều hơn với nhà trường, tận dụng những thuận lợi sẵn có từ nhà trường, từ địa phương.
Một điều nữa mà ông Tân lưu ý các trường trong quá trình tổ chức, THNNT là một hoạt động dạy học nên bắt buộc phải có sản phẩm của học sinh để kiểm tra, đánh giá. Các trường không nên đồng nhất hoạt động này với hoạt động trải nghiệm tham quan ngoại khóa.
Bên cạnh đó, khi xây dựng THNNT, các trường cần phải tính toán đến phương án sẽ có học sinh không có điều kiện tham gia trong trường hợp phát sinh chi phí để lên kế hoạch phù hợp. “Phương án tổ chức phải tính toán nguồn kinh phí hỗ trợ học sinh khó khăn, cố gắng 100% học sinh được tiếp cận. Đảm bảo rằng điều kiện học tập, quyền lợi của các em là như nhau”, ông Tân nhấn mạnh.
Đánh giá từng quá trình của học sinh
Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) cho rằng có những điều học sinh có thể biết kiến thức song thực tế như thế nào thì lại chưa chắc đã hiểu. Do đó, các THNNT là để giải quyết bài toán về nâng cao chất lượng giáo dục, gắn kiến thức môn học với thực tế.
Tuy nhiên, để xây dựng tốt THNNT, từ kinh nghiệm của trường mình, thầy Khánh cho rằng trước hết cần phải nghiên cứu chương trình phổ thông hiện hành để đảm bảo tiết học đúng chuẩn kiến thức chương trình. Tiếp theo, các trường cần phải khảo sát thực tế trước chuyến đi của học sinh. Điều quan trọng không kém là nội dung thực hiện phải xây dựng được hai phương án, lường trước những tình huống có thể xảy ra: học sinh tham gia và không tham gia. Luôn phải có phương án giải quyết câu hỏi “đối với những học sinh không tham gia thì các em sẽ có phương án hoàn thành bài học này như thế nào?”. “Chúng ta đã mất thời gian xây dựng thì phải đảm bảo học sinh được trải nghiệm và đảm bảo kiến thức tiếp thu tốt”, thầy Khánh nhấn mạnh.
Về phương pháp kiểm tra đánh giá với THNNT, thầy Khánh chia sẻ phải đúng là đang đánh giá học sinh, vừa đánh giá được quá trình trải nghiệm và thu hoạch của học sinh. “Kiểm tra kiến thức trong quá trình trải nghiệm có hệ số chấm là 0,2; quá trình trải nghiệm chiếm 0,6; bài kiểm tra cuối cùng là 0,2”, thầy Khánh nói.
Đồng tình với cách làm trên, cô Hoàng Thị Diễm Trang (Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý, Q.7) bổ sung thêm, nguyên tắc đầu tiên mà nhà trường xây dựng THNNT là xác định đi học bên ngoài phải làm cho việc tiếp thu kiến thức của học sinh tốt hơn. Tuy nhiên, không phải môn học nào cũng đưa học sinh đi học tập trải nghiệm. Nguyên tắc thứ 2 là trong một chuyến học tập trải nghiệm, không bao giờ được lồng ghép quá hai môn học. Việc đặt giới hạn bộ môn, theo cô Trang sẽ liên quan trực tiếp đến sản phẩm của học sinh trước, trong và sau quá trình trải nghiệm. “Học trải nghiệm để học sinh nhẹ nhàng hơn, nhưng nếu chúng ta ôm đồm quá nhiều môn học sẽ vô tình làm các em nặng nề hơn”, cô Trang nói. Nguyên tắc thứ 3 là địa điểm chọn cho chuyến trải nghiệm phải liên quan trực tiếp đến kiến thức môn học.
“Dựa trên những nguyên tắc đó, khi triển khai, tổ bộ môn sẽ hình dung ra các nội dung để sắp xếp lượng kiến thức phù hợp. Kiến thức nào là các em phải chuẩn bị trước chuyến đi, kiến thức nào sẽ được lĩnh hội trong quá trình trải nghiệm, đâu là kiến thức mà sau chuyến đi học sinh phải củng cố. Các phần kiến thức này đều có thang điểm và sản phẩm rõ ràng để đánh giá, kiểm tra học sinh. Đồng thời phải có phiếu học tập, học sinh biết rất rõ mình phải làm gì trong chuyến đi”, cô Trang phân tích.
Mặc dù vậy, cô Trang cho hay có những thứ đúng là phải trải nghiệm thực tế thì mới xây dựng được. Để tránh “lệch pha” giữa kế hoạch và thực tế, kinh nghiệm của nhà trường là sau khi có lộ trình, ban giám hiệu trực tiếp khảo sát lộ trình dự kiến mà học sinh của trường sẽ đi, từ đó sẽ phát hiện ra những điều “hay ho” hơn cho học sinh trải nghiệm.
Trong trường cũng học tập trải nghiệm được
Đây là cách mà Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) đã áp dụng trong việc xây dựng THNNT. Theo thầy Nguyễn Văn Tiến (Phó Hiệu trưởng nhà trường), từ thực tế sân trường có nhiều công trình xây dựng nhỏ, phòng học STEM, cạnh trường có các cơ sở sản xuất kinh doanh. Tận dụng những lợi thế đó, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên mở rộng không gian lớp học để tạo ra THNNT. “Các tiết học có thiết kế mở, đảm bảo kiến thức gần gũi, gắn với thực tiễn địa phương. Ngay như môn văn, các em có thể học ở thư viện cũng được coi là tiết học trải nghiệm”, thầy Tiến cho hay.
Khẳng định vai trò của THNNT là cần thiết, tuy nhiên cô Nguyễn Thị Ánh Mai (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn) băn khoăn: “Hiện học sinh vẫn còn quan niệm đây là một chuyến đi chơi. Do đó, các trường cần phải rõ ràng ngay từ đầu với học sinh rằng đây là một hoạt động học tập, trải nghiệm kiến thức từ thực tế chứ không phải là một chuyến đi chơi để không uổng phí”.
Bên cạnh đó, cô Mai cho rằng nếu trong một chuyến trải nghiệm thực tế mà đưa quá nhiều học sinh đi thì chất lượng học tập sẽ giảm sút. Vì vậy, nên chia nhỏ học sinh ra, không tổ chức đồng loạt…
Về phía Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT) cho rằng hiện có rất nhiều cách nghĩ về THNNT, chưa thống nhất về chuyên môn. Tuy nhiên, THNNT phải có số lượng học sinh vừa phải. Bên cạnh những địa điểm mà Sở GD-ĐT đưa ra, sở khuyến khích các trường tự chủ trong tổ chức, khuyến khích tất cả bộ môn tham gia. Đồng thời phải có giải pháp bù đắp với những em không tham gia như quay phim lại. Giáo viên phải sáng tạo, rèn luyện khả năng làm việc nhóm, đánh giá nhóm của học sinh. Để thành công, THNNT phải đảm bảo an toàn, có thể chấp nhận hiệu quả ở một mức nào đó.
Quang Long
Bình luận (0)