Xây dựng mô hình tuyến đường Trường Sơn rực lửa, dựng phim tư liệu và làm báo tường về lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP)… là những hoạt động đầy ấn tượng được học sinh hai lớp 9/8 và 9/12 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thực hiện thông qua dự án Tìm hiểu vẻ đẹp của nữ TNXP qua tác phẩm Những ngôi sao xa xôi.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn tìm hiểu mô hình con đường Trường Sơn huyền thoại
Dự án trên là trải nghiệm dạy học tích hợp liên môn do cô Phạm Thanh Xuân (giáo viên môn ngữ văn trong trường) xây dựng. Tham gia thực hiện dự án, học sinh mỗi lớp được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm có những nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, nhóm 1 đóng vai trò tìm hiểu về tuyến đường Trường Sơn; nhóm 2 tìm hiểu về lực lượng TNXP; nhóm 3 tìm hiểu về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi.
“Tác phẩm Những ngôi sao xa xôi kể về hình ảnh người nữ TNXP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh đó không đơn thuần là một phần của lịch sử mà còn là hình tượng của lý tưởng tuổi trẻ. Nếu chỉ dạy tác phẩm theo văn bản thuần túy sẽ rất khó để thu hút học sinh, rất khó để truyền tải hết những thông điệp được gửi gắm trong tác phẩm. Chỉ khi các em được trực tiếp tham gia tìm hiểu về cuộc kháng chiến, về cuộc sống của những người nữ TNXP ngày đó, các em mới phần nào cảm nhận được”, cô Thanh Xuân chia sẻ. Bằng dự án, cô Thanh Xuân cho hay học sinh sẽ hiểu về tác phẩm, về kiến thức lịch sử, địa lý và những bài học đạo đức, lý tưởng…
Trong vai trò nhóm trưởng nhóm 1, Bùi Minh Nhật An (lớp 9/8) cho biết để tìm hiểu về tuyến đường Trường Sơn, bản thân em cùng các bạn đã đọc rất nhiều tài liệu sách báo. Sản phẩm của nhóm là mô hình về tuyến đường Trường Sơn rực lửa với một bên là Việt Nam và một bên là nước bạn Lào. “Mô hình được thực hiện từ giấy bạc và màu. Cả nhóm đã rất cố gắng để tái hiện sao cho giống nhất. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong quá trình tái hiện chính là tìm được mô hình vũ khí cho đúng với thời kháng chiến chống Mỹ”, Nhật An kể.
Cùng với mô hình, nhóm Nhật An cũng đã xây dựng phiếu khảo sát gồm 9 câu hỏi xung quanh con đường lịch sử này. Những câu hỏi được đề cập có nội dung như ý nghĩa quan trọng của con đường, nơi bắt đầu, các di tích lịch sử, các trận đánh, chiến dịch… trên con đường Trường Sơn. Theo Nhật An, bảng khảo sát nhằm cung cấp thêm những hiểu biết về con đường huyền thoại, đó là những kiến thức lịch sử nằm ngoài sách giáo khoa.
Không kém phần ấn tượng, sản phẩm của nhóm 2 là báo tường về lực lượng TNXP và những thước phim tư liệu về lực lượng này. Chia sẻ về quá trình thực hiện của nhóm, Trần Hà Khánh Linh (lớp 9/8) cho biết các thành viên trong nhóm đã sưu tầm những bức ảnh về lực lượng TNXP qua sách báo, đồng thời chọn lọc, cắt, ghép dàn dựng lại những thước phim tư liệu về các cô chú TNXP để tạo thành phim tư liệu cô đọng nhất. “Những câu chuyện xúc động về 10 nữ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, về hang Tám Cô…, em đã từng được nghe qua. Nhưng khi được tự mình tìm hiểu, em thấy thêm tự hào và ngưỡng mộ về thế hệ trẻ TNXP khi đó. Thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong học tập để gìn giữ và phát huy lý tưởng tuổi trẻ đó”, Khánh Linh nghẹn ngào chia sẻ.
Ở nhóm 3, trong vai trò tìm hiểu về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi mang đến cho Huỳnh Phương Nhi (lớp 9/8) những hiểu biết sâu sắc về tác phẩm, tác giả và lý tưởng sống của những người TNXP. “Sản phẩm được nhóm xây dựng là đoạn phim tư liệu về tác giả Lê Minh Khuê và mô hình không gian chiến trường được tác giả xây dựng trong tác phẩm. Những người lính khi đó, trong đời thường họ là những người phụ nữ cũng mộng mơ nhưng khi ra chiến tuyến, đó là lý tưởng tuổi trẻ một lòng chiến đấu vì dân tộc…”, Phương Nhi nhấn mạnh.
Theo cô Đinh Thị Thu (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Lê Quý Đôn), phương pháp dạy trên là hình thức mở rộng không gian lớp học, học sinh được chủ động tìm hiểu về kiến thức. Thay vì người giáo viên truyền đạt một chiều thì mỗi học sinh lại trở thành giáo viên rèn kỹ năng, kiến thức không còn gói gọn trong tác phẩm mà trở nên đa dạng, sinh động hơn. “Cách học này sẽ kéo học sinh lại gần với môn văn – bộ môn mà nhiều học sinh cho là khô khan. Đồng thời giúp học sinh đáp ứng được xu hướng ra đề thi mở và thực tế như hiện nay. Đặc biệt là giáo dục học sinh về lý tưởng sống để các em có những hướng đi đúng đắn cho tương lai”, cô Thu nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)