Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiết kiệm chi phí nhờ… tình nguyện viên

Tạp Chí Giáo Dục

Việc sử dụng tình nguyện viên quốc tế giảng dạy ngoại ngữ đã được nhiều trường ĐH lựa chọn trong điều kiện eo hẹp kinh phí để mời giáo viên bản ngữ.

Nhiều trường ĐH-CĐ của Anh, Mỹ, Canada, Úc… yêu cầu sinh viên dành một số giờ nhất định cho hoạt động tình nguyện. Không ít sinh viên các nước này theo những dự án phi chính phủ đến nhiều nước đang phát triển trong đó có Việt Nam để tham gia hoạt động tình nguyện, cụ thể: Giảng dạy tiếng Anh, làm việc trong trại trẻ mồ côi, khu bảo tồn, hỗ trợ công tác y tế…

Tiết kiệm hàng triệu đô la

Gần 100 tình nguyện viên quốc tế giảng dạy ngoại ngữ trong 5 năm qua đã giúp Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tiết kiệm hàng triệu đô la. Tình nguyện viên quốc tế cũng đã để lại hàng chục dự án, trong đó có những dự án xuyên suốt, bền vững và tác động sâu rộng đến đào tạo, nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Phan Văn Hòa – Trưởng khoa Đào tạo quốc tế ĐH Đà Nẵng – cho biết điều này tại hội thảo “Xây dựng mô hình trao đổi giáo viên, tình nguyện viên tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân” vừa được tổ chức bởi Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Tình nguyện viên Hàn Quốc làm quen với tiếng Việt (do giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hướng dẫn) trước khi thực hiện công tác tình nguyện tại Việt Nam

Không chỉ riêng bậc ĐH, thời gian qua, tình nguyện viên quốc tế cũng được đón nhận vào giảng dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học. Bà Lê Thị Đoài Phượng – đại diện Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) – cho biết, trường dùng cả giáo viên bản ngữ và tình nguyện viên quốc tế trong giảng dạy tiếng Anh. Điều này đã tạo được những hiệu quả đáng kể, học sinh được phát triển đều các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chứ không quá chú trọng ngữ pháp. Bà Phượng còn chỉ ra, hầu hết tình nguyện viên tham gia giảng dạy tiếng Anh tại trường thường ở độ tuổi rất trẻ (18-22) đến từ các nước Anh, Úc, New Zealand, Canada, Mỹ… Khi sử dụng lực lượng này, nhà trường được lợi ở chỗ chỉ hỗ trợ họ sinh hoạt phí, không phải trả lương giảng dạy. Đa số họ rất nhiệt tình, hòa đồng và không nề hà công việc. Nhưng mặt khác, do trẻ và non kinh nghiệm nên họ mất khá nhiều thời gian để thích nghi với công việc giảng dạy. Chưa kể, thời gian tình nguyện viên ở Việt Nam ngắn (chỉ từ 1 đến 4 tháng) cùng với việc số đợt tình nguyện không đồng đều giữa các năm khiến trường khó chủ động trong hoạt động giảng dạy.

Dù các trường rất nhu cầu nhưng theo ThS. Trần Thị Thu Giang – Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân – hiện đang thiếu hụt nguồn cung cấp tình nguyện viên quốc tế lẫn giáo viên giảng dạy tiếng Anh. ThS. Giang chỉ rõ thêm, hiện thiếu thông tin về các tổ chức cung cấp tình nguyện viên (là người bản ngữ sang dạy tiếng Anh tại Việt Nam) từ những nguồn đáng tin cậy như Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT… Mối quan hệ xã hội của các cá nhân trong trường ĐH có thể là nguồn quan trọng để giới thiệu tình nguyện viên quốc tế tuy nhiên “kênh” này ít ổn định, khó lâu dài…

Tập huấn phương pháp giảng dạy

PGS.TS Phan Văn Hòa ví tình nguyện viên giảng dạy ngoại ngữ như chiếc cầu nối sinh động giữa văn hóa và ngôn ngữ. Theo ông Hòa, sử dụng tình nguyện viên quốc tế giảng dạy ngoại ngữ giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời còn góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

Nhưng ông Hòa cho rằng, chúng ta thường có tư duy một chiều là chỉ biết nhận mà ít khi nghĩ đến việc cần làm gì cho tình nguyện viên. Vì vậy, ông Hòa đặt vấn đề tạo điều kiện để họ thực hiện những nhiệm vụ đã cam kết, đồng thời cần chia sẻ, đáp ứng những nhu cầu khác của họ như học tiếng Việt, tham quan tìm hiểu danh lam thắng cảnh, văn hóa Việt Nam…

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh – đại diện Trường ĐH Mỏ – Địa chất – đề nghị không nên đặt nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi tuyển chọn tình nguyện viên quốc tế. Thay vào đó, cần tạo ra nhiều mô hình và giải pháp hoạt động để gắn họ vào những công việc phù hợp. Chẳng hạn, khi tình nguyện viên là sinh viên, có thể triển khai mô hình câu lạc bộ, cuộc thi hay hình thức ngoại khóa du lịch cộng đồng. Nếu tình nguyện viên đã từng hoạt động ở lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ, có thể tạo điều kiện tham gia giảng dạy…

Xây dựng chương trình tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Anh đối với những tình nguyện viên quốc tế có mong muốn đến dạy tại Việt Nam là vấn đề được đại diện một trường ĐH đặt ra. Theo đại diện này, tình nguyện viên từ các nước nói tiếng Anh sang Việt Nam (trong đó có cả sinh viên) có thế mạnh về ngôn ngữ nhưng không phải tất cả đều giảng dạy tốt nên cần được bồi dưỡng.

Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)