Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tiết kiệm điện mùa khô

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mùa khô thiếu điện! Điệp khúc đó cứ lặp đi lặp lại hàng năm khi Tết Nguyên đán đi qua, mùa mưa còn lâu mới tới.
ĐBSCL thiếu điện càng gay gắt hơn, vì là “vùng sâu, vùng xa”, lượng điện tiêu thụ bình quân trên người thấp hơn nhiều so với các vùng miền khác trên cả nước. Người đồng bằng vốn đã ít xài điện, vào “mùa cúp điện”, họ càng dè xẻn từng kwh.
Không cần vận động
Không cần vận động, Cty Thép Long An tự coi “tiết kiệm điện là nhiệm vụ sống còn”. Ảnh: K.Q
Theo ông Đào Hữu Hiền  – Phó Giám đốc Điện lực Đồng Tháp – mặc dù đã khống chế một số khu vực, nhưng quý I/2010, sản lượng điện tiêu thụ toàn tỉnh vẫn tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2009.
Tháng 3, sản xuất công nghiệp tăng, các trạm bơm điện hoạt động hết công suất do khô hạn dẫn tới nhu cầu sử dụng điện tăng (tăng 22,4% so với tháng 3.2009). Tháng 4, sản lượng điện tiêu thụ tiếp tục tăng. 10 ngày đầu tháng 4, sản lượng điện Đồng Tháp được phân bổ bình quân 3,45 triệu kwh/ngày, nhưng điện tiêu thụ bình quân cùng thời gian lên đến 3,8 triệu kwh/ngày. Ở Bến Tre, dù nguồn cung thiếu, nhưng nhu cầu sử dụng điện vẫn tăng: Chỉ riêng 2 tháng đầu năm, đã tăng trên 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh đó, các địa phương ĐBSCL đều triển khai biện pháp tiết kiệm điện. Điện lực Đồng Tháp bán trợ giá hàng chục ngàn bóng đèn compact tiết kiệm điện, triển khai chương trình trợ giá 50 bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời; phối hợp với các đơn vị chiếu sáng điều chỉnh giờ bật – tắt đèn đường…
Ở Bến Tre, ngành điện đề nghị các cơ quan thuộc diện “749 điện kế tiết kiệm điện ít nhất 10%” đăng ký phương án sử dụng điện theo quý. Hàng tháng, ngành điện lập danh sách các đơn vị chưa hoặc tiết kiệm điện chưa đạt yêu cầu sang Sở Công thương để nhắc nhở.
Điện lực Bến Tre cũng đang triển khai kế hoạch bán 17.000 bóng đèn compact giá thấp hơn ít nhất 10% so với giá thị trường. Còn tại Vĩnh Long, theo Sở Công thương, quý I/2010, toàn tỉnh tiết kiệm được 1,370 triệu kwh, bằng 98,6% so cùng kỳ năm 2009. Quý II, việc thực hiện tiết kiệm điện vẫn tiếp tục triển khai bằng nhiều biện pháp để đạt kết quả cao hơn, trong đó yêu cầu giảm tối đa lượng đèn sử dụng để chiếu sáng trang trí, quảng cáo.
Ông Nguyễn Minh – Giám đốc Cty Thép Long An (xã Long Hiệp, Bến Lức) cho biết, đối với những doanh nghiệp (DN) mà chi phí điện năng chiếm phần lớn giá thành sản phẩm như công ty của ông, việc sử dụng điện một cách hợp lý, đạt hiệu quả cao nhất luôn là nhiệm vụ hàng đầu.
Ông Minh nói: “Giá điện tăng cao, các DN sản xuất thép hơn nhau ở chỗ ai kéo giảm được định mức tiêu thụ điện trên đơn vị sản phẩm. Không cần vận động, chúng tôi xem tiết kiệm điện là nhiệm vụ sống còn của mình”.
Ông Nguyễn Văn Cai – Phó Giám đốc Cty Lafimexco (chế biến thuỷ sản, TP.Tân An) – cho biết: Trong quy trình sản xuất thuỷ sản đông lạnh, máy cấp đông và kho lạnh là những nơi tiêu thụ điện nhiều nhất. Thời gian gần đây, khi giá điện tăng cao, các DN tập trung nghiên cứu giảm thời gian chạy máy, tiết kiệm chi phí điện năng. Một số DN “nhà giàu” đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại ít tốn điện.
Hai mươi ký đã là nhiều
Hộ bà Chung Thị Gương không thuộc “vùng sâu, vùng xa”, trái lại nằm ngay trung tâm thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước (Long An). Nhà bà có tủ lạnh, quạt máy, tivi, bơm nước…, thế nhưng lượng điện tiêu thụ hàng tháng chỉ 15 – 20kwh. Tháng nào giấy báo điện ghi trên 20kwh là “báo động”, bà rà lại các thiết bị sử dụng điện xem có lúc nào sử dụng quá mức hay không. Các con định gắn máy lạnh cho ông bà, nhưng bà luôn từ chối vì sợ tốn tiền điện. Tủ lạnh luôn được bà đặt ở mức tiết kiệm nhất, quạt máy khi thật cần thiết mới mở và luôn ở “số 1”, mức nhẹ nhất. Ở nhà bà không bao giờ có chuyện 1 bóng đèn cháy sáng nơi không có người. Khi có ai cười về chuyện tiết kiệm điện “thái quá”, bà Gương thường nói: “Hồi đó đèn dầu leo lét, giờ có điện xài là sướng quá rồi, không được phung phí”.
Trường hợp của bà Gương không phải là hiếm. Hầu hết gia đình ở nông thôn ĐBSCL đều xài điện rất dè xẻn, một phần vì thói quen tiết kiệm, một phần vì thu nhập hạn chế. Hộ chị Trần Thị Thạnh ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có đến gần 10 người, nhưng mức tiêu thụ điện chỉ là 30 – 40kwh/tháng. Diện tích canh tác hẹp, nghề trồng hoa kiểng thu nhập không cao, bao nhiêu chi phí cho sinh hoạt gia đình, mọi thứ chị đều phải tiết kiệm chứ không riêng gì điện.
Ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) là ấp có mức tiêu thụ điện năng thuộc loại thấp nhất tỉnh, dù cuộc sống của người dân ở đây không phải nghèo. Ông Nguyễn Văn Phương ở ấp Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) cũng làm được 1 việc luôn khiến ông thú vị: Dùng khí biogas giải quyết toàn bộ nhu cầu đun nấu, thắp sáng cho trang trại nuôi hơn 100 con heo. Ông Phương nói: “Không chỉ tiết kiệm mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng tiền điện, mà tôi còn luôn chủ động về năng lượng, không bị ảnh hưởng do mất điện”.
Tuy nhiên, theo Điện lực Đồng Tháp, qua khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều cơ quan hành chính chưa quan tâm đúng mức tới việc tiết kiệm điện, sử dụng điện chưa hợp lý, còn lãng phí. Điện lực Bến Tre cũng cho biết, không ít cơ quan đưa ra lý do trụ sở mới xây dựng khang trang, bố trí nhiều phòng ban, trang bị thêm máy móc phục vụ công việc nên nhu cầu sử dụng điện tăng so với năm trước.
Kỳ Quan – Như Giang /  Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)