Tiết kiệm từng chút, tăng cường tái sử dụng đồ dùng… để có thêm khoản tiền chi cuối năm cho giáo viên có tiền tiêu tết là chia sẻ của những người đứng đầu trường học tại TP.HCM khi tết đang đến gần.
Tiền thưởng tết chính là thu nhập tăng thêm
Giáo viên (GV) không có quy định thưởng tết hay lương tháng thứ 13 như các công ty, xí nghiệp. Thông thường, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, GV, công nhân viên sẽ có khoản tiền thu nhập tăng thêm. Theo bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM), khoản này phụ thuộc vào kết dư mỗi năm của từng trường nên GV mỗi trường có mức thu nhập khác nhau.
Tùy vào kết dư mỗi năm của từng trường, giáo viên sẽ có mức thu nhập tăng thêm, tức thưởng tết khác nhau. NHẬT THỊNH
Theo bà Hảo, sau khi thực hiện các khoản chi của tháng 12 xong thì các trường mới biết được ngân sách còn bao nhiêu. Nhưng không phải còn bao nhiêu là chi cuối năm cho GV mà phải thực hiện các quy định tài chính như trích 40% cải cách tiền lương, phát triển sự nghiệp các loại quỹ phúc lợi, khen thưởng… gối đầu để có kinh phí hoạt động cho năm sau. Còn lại thì tính toán để chia cho GV, nhân viên trong trường vào cuối năm tài chính. Đây thực tế là thu nhập tăng thêm do trường tiết kiệm chi nguyên cả năm để dành đến cuối năm. Thời điểm này đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên mọi người có khoản tiền chăm lo tết chứ không phải là thưởng tết như các doanh nghiệp.
Theo dự tính “hòm hòm” của lãnh đạo Trường THPT Đào Sơn Tây thì năm nay sau khi chi trả lương, chi các hoạt động, các khoản trích như trên thì tùy GV, tùy thâm niên sẽ nhận khoảng 10 – 20 triệu đồng.
Chia sẻ về khoản tiền cuối năm mà GV hay vui mừng chờ đón gọi là “thưởng tết”, ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Q.5, TP.HCM), cho hay năm nào cũng cố gắng để đảm bảo chăm lo đời sống cho GV, công nhân viên. Ông Yên thông tin, khoản tiết kiệm chi của trường năm nay chia cho toàn bộ GV, nhân viên biên chế và hợp đồng, trung bình khoảng 14 triệu đồng/người.
Ông Yên cho biết nhà trường xây dựng công thức tính tiền thu nhập cuối năm và công khai trong cuộc họp công nhân viên chức đầu năm. Bất cứ sự thay đổi nào cũng phải lấy ý kiến của toàn bộ công nhân viên chức trong toàn trường. Mỗi trường đều có khoảng 10 tiêu chí, trong đó có phần thi đua, có hệ số, thời lượng công tác, giờ làm trong một tuần… Mọi năm, Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng 2 dương lịch nhưng năm nay lại rơi vào tháng 1, tức sớm hơn khoảng một tháng nên trường đang cố gắng chạy nước rút các thủ tục hành chính để GV có khoản tiền chăm lo tết.
Giáo viên không có quy định thưởng tết hay lương tháng thứ 13 như các công ty, xí nghiệp. NGỌC DƯƠNG
Để thầy cô có “nồi thịt kho trứng, bộ đồ mới ngày tết”
Nói về việc tiết kiệm các khoản chi trong năm để có khoản dư cuối năm, bà Đinh Thị Thiên Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay trường hạn chế các khoản mua sắm không cấp thiết, phát huy tối đa việc tái chế. “Chẳng hạn như hệ thống wifi của trường không đủ dung lượng để phát cho nhiều học sinh sử dụng cùng lúc khi có tiết học ứng dụng công nghệ, thầy cô lấy một thiết bị modem dư không sử dụng ở nhà mang vô trường, có thể phát tín hiệu cho khoảng 3 lớp học. Cứ như vậy, nhà trường nâng cấp được hệ thống wifi mà không phải tốn hàng chục triệu đồng”, bà Ân kể lại.
Nữ hiệu trưởng này cũng nhấn mạnh, nếu cứ xài thì không còn khoản tiết kiệm cuối năm. “Mỗi tháng họp hội đồng sư phạm là ban giám hiệu công khai liệt kê trong tháng vừa rồi đội kỹ thuật của trường phải sửa những gì. Công khai để mọi người thấy được trách nhiệm vì là khoản tiền chung sau này có với nhau nên mỗi người cần phải nâng cao ý thức. Tiết kiệm từng chút nên năm nay mỗi thành viên sẽ nhận khoản tiền cuối năm khoảng 4 triệu đồng”, bà Ân cho hay.
“Xác định đây là khoản tiết kiệm của tất cả đội ngũ GV, công nhân viên trong trường chứ không phải của riêng ai nên nhà trường tính toán sao cho giữa người đứng đầu và người có hệ số lương thấp nhất không chênh lệch quá mức vì 50% là chia đều, 50% chia theo hệ số”, bà Ân nói.
Ông Nguyễn Văn Nguyện, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (H.Bình Chánh, TP.HCM), thì cho biết nhà trường đang cố gắng chuẩn bị sẵn sàng các quy định về tài chính, tất toán các khoản thu chi để trước ngày 20 tháng chạp, mỗi thầy cô có thể nhận khoảng 4 – 5 triệu đồng xem như là thưởng tết để “chuẩn bị nồi thịt kho trứng, bộ đồ mới cho ngày tết”.
Theo Bích Thanh/TNO
Bình luận (0)