Biểu ngữ “Hãy công bố những bức ảnh tra tấn. Hãy truy tố bọn tội phạm chiến tranh” tại đồi Beverly, California để phản đối việc Tổng thống Barack Obama ngăn không cho công bố các bức ảnh lính Mỹ tra tấn tù nhân-Ảnh: Getty Images
|
Tờ báo dẫn lời cựu thiếu tướng quân đội Mỹ Antonio Taguba khẳng định sự tồn tại của những bức ảnh này. Ông Taguba, về hưu năm 2007, đã điều tra và có một báo cáo trong nội bộ quân đội Mỹ về các vụ tra tấn tù binh ở nhà tù Abu Ghraib tại Iraq, và bản báo cáo này đã bị rò rỉ ra ngoài vào năm 2004.
“Các bức ảnh này cho thấy cảnh cưỡng hiếp, lạm dụng, tra tấn và những trò bẩn thỉu khác” – Daily Telegraph dẫn lời ông Taguba cho biết. Khi được hỏi, ông Taguba cũng đồng ý là không nên công bố các bức ảnh ấy vì “chỉ cần miêu tả bằng lời thôi cũng đủ khủng khiếp lắm rồi”, và hậu quả của việc công bố sẽ là “đẩy lính Mỹ vào vòng nguy hiểm”. Theo Daily Telegraph, đây có thể chính là lý do tại sao hồi đầu tháng ông Obama đã ngăn không cho công bố khoảng 2.000 bức ảnh chụp tại các nhà tù ở Iraq và Afghanistan từ năm 2001-2005, cho dù trước đó ông tuyên bố không phản đối việc công khai các bức ảnh này.
Chính quyền Mỹ đã phản ứng rất dữ dội bài báo của Daily Telegraph. AP dẫn lời người phát ngôn của Lầu Năm Góc Bryan Whitman lớn tiếng cáo buộc tờ báo đã “thể hiện sự bất lực trong việc lấy thông tin đúng”.
Ông Whitman khẳng định: “Không có bất cứ một bức ảnh nào cho thấy những cảnh mà bài báo miêu tả”. Còn người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cũng chỉ trích báo chí Anh là đăng nguồn tin không đáng tin cậy. “Nếu tôi muốn biết Manchester United đã chơi tệ thế nào trong trận chung kết Champions League đêm qua, tôi có thể sẽ đọc một tờ báo Anh – ông Gibbs mỉa mai – Còn nếu tôi muốn tìm những gì gần với thông tin chân thực, tôi không chắc rằng đó là nguồn đầu tiên mà tôi ngó đến”.
Đáp trả lại, biên tập viên người Mỹ của tờ Daily Telegraph Toby Harnden lấy chính lời của blog chính trị Mỹ Daily Kos gọi phản ứng của chính quyền Mỹ là “trò bôi nhọ bẩn thỉu đối với báo chí Anh”. Tờ báo cho biết khi ông Gibbs nhận được câu hỏi: “Vậy ông nói rằng báo cáo (của tướng Taguba) này là hoàn toàn dối trá?”, ông ta đã trả lời: “Tôi muốn nhắc tới tuyên bố của Bộ Quốc phòng là bài báo này là sai và đã mô tả sai các bức ảnh”. Theo Daily Telegraph, rõ ràng Gibbs không hề phủ nhận sự tồn tại của các bức ảnh, còn tạp chí The Spectator (Anh) gọi tuyên bố của ông Gibbs là một kiểu “phủ nhận mà không phủ nhận” cũ mèm.
Daily Telegraph dẫn lời nhà báo điều tra nổi tiếng của Mỹ Jeremy Scahill cho rằng ông Gibbs đã “thật sự biểu hiện cho cách làm cũ rích là khi thông điệp có tác động xấu, hãy tấn công người đưa tin (để khiến thông điệp trở nên không đáng tin). Trong trường hợp này, Gibbs thậm chí còn không tấn công người đưa tin mà đánh tờ báo dẫn lời người đưa tin đó (ám chỉ ông Taguba)”. Scahill thậm chí còn cho rằng ông Gibbs đã quá hèn khi không nhắm vào ông Taguba.
Các bức ảnh lính Mỹ tra tấn tù binh ở nhà tù Abu Ghraib được công bố hồi năm 2004 đã gây sự phẫn nộ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Trung Đông.
Theo Hiếu Trung / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)