Chat, forum và blog là ba nhóm sản phẩm phục vụ nhu cầu giao tiếp có sức ảnh hưởng lớn đến người dùng Internet trong nước. Tuy nhiên, với sự kiện Yahoo 360 sắp bị khai tử và mọi người bắt đầu chán blog, câu hỏi đặt ra là: Sau blog sẽ là gì?
Hơn 10 năm qua, người sử dụng Internet Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời, phát triển, thoái trào của nhiều dịch vụ online và đi cùng với nó là sự ra đời của các sản phẩm mới.
Để đi tìm câu trả lời cho "thế hệ tiếp sau blog", trước hết người ta cần giải đáp cho một vấn đề khác: Người sử dụng mong đợi điều gì ở một dịch vụ mới? Nếu nhìn tổng quát con đường phát triển Internet, người ta sẽ thấy một điều thú vị là sản phẩm có xu hướng đơn giản đi. Google không phải là trang web tìm kiếm đầu tiên nhưng nhanh chóng thành công một phần nhờ giao diện đơn giản. Skype cũng không phải chương trình trao đổi tin nhắn nhanh duy nhất nhưng đạt hiệu quả nhờ chuyên về các cuộc gọi trực tuyến. Delicious chỉ là hệ thống chia sẻ đường link nhưng vẫn được hàng triệu người ưa chuộng.
Đứng dưới góc nhìn này, thế hệ sau blog sẽ là sản phẩm nào đó đơn giản, tập trung phục vụ một nhu cầu cụ thể hơn là ôm đồm tất cả các tính năng.
Ba năm trước, có một website ra đời tại Mỹ với mục đích giúp người dùng chia sẻ thông tin "mình đang làm gì" chỉ trong vòng 140 ký tự. Ý tưởng này ban đầu nghe có vẻ vô nghĩa nhưng được hàng triệu người ở khắp thế giới yêu thích và gắn bó. Không chỉ giới trẻ mà cả những giáo sư, học giả nổi tiếng, các ngôi sao… cũng sử dụng nó làm công cụ giao tiếp với công chúng. Mới đây, CNN và diễn viên Ashton Kutcher còn chạy đua để trở thành tiếng nói có sức hấp dẫn nhất trên dịch vụ này.
Trang tiểu blog của John Mayer – người yêu cũ của Jennifer Aniston. |
Dịch vụ đó chính là Twitter, mở đầu cho một khái niệm mới: micro-blogging, tiểu blog hay còn gọi là nhật ký nhanh. David Sacks, nhà sáng lập mạng Yammer (Mỹ), cho rằng hoạt động yêu thích nhất của người sử dụng không phải là sáng tác những entry (bài viết) dài mà tất cả những gì họ muốn là thay đổi status, blast… để thông báo cho người khác biết họ đang làm gì, vui hay buồn… như "Tắc đường, giờ mới đến cơ quan", "cafe sáng". Twitter đáp ứng chính xác nhu cầu này cho những ai bận rộn không có thời gian chăm sóc cả một trang blog rộng lớn.
Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, người Việt đang dần làm quen với micro-blogging. Số lượng người dùng tiểu blog để cập nhật thông tin tăng đáng kể, thậm chí có cả cộng đồng Twitter Việt Nam do các thành viên đứng ra thành lập. Trong số các phiên bản tiếng Việt, đáng chú ý là dịch vụ ibox.fm. Khác với Twitter và nhiều website tương tự, ibox.fm đi theo hướng riêng khi kết hợp micro-blogging và âm nhạc để tạo ra một dịch vụ "lai" hấp dẫn: tiểu blog đầu tiên về âm nhạc tại Việt Nam. Người tham gia có thể tìm, nghe và đăng các bài hát kèm theo lời nhắn gửi, nhận xét hay những cảm xúc, kỷ niệm đã có với bài hát đó…
Tiểu blog âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam. |
Micro-blogging đang trong giai đoạn chinh phục người sử dụng trong nước và nó gợi nhớ đến Yahoo 360 những ngày đầu chập chững với nhiều hoài nghi nhưng đã trở thành cơn sốt tại Việt Nam sau đó một năm.
Lê Nguyên – Thu Trang (Theo VNE)
Bình luận (0)