Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tiêu chảy cấp và những con số báo động

Tạp Chí Giáo Dục

Tiêu chảy cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây suy kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Bệnh nguy hiểm
Mỗi năm hàng ngàn lượt người mắc tiêu chảy, trong đó, bệnh do vi khuẩn tả gây ra luôn có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Trong tháng 7 vừa qua, dịch đã tạm lắng nhưng vẫn ghi nhận 12 trường hợp mắc tả tại 2 địa phương. Tích lũy số mắc/tử vong từ đầu năm đến nay là 151 ca/1 tử vong. Do tính chất nguy hiểm của bệnh, tại những nơi có ca bệnh tả được xác định, mọi trường hợp tiêu chảy cấp khác dù chưa được xét nghiệm chẩn đoán xác định, cũng đều được coi là ca bệnh nghi tả và phải được xử lý như một ổ dịch tả.
Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm được điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia  – Ảnh: Ngọc Thắng
Theo Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), tả là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa. Tại thời điểm có dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm do vi khuẩn tả, phần lớn bệnh nhân vào điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, trước lúc nhập viện từng ăn một số thức ăn chế biến sẵn, thức ăn chưa nấu chín như: thịt chó, tiết canh, rau sống. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng: tiêu chảy liên tục phải đóng bỉm, mất nước ồ ạt, suy kiệt. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân mắc tả sẽ bị mất nước nặng, trụy mạch thậm chí suy thận. Nếu điều trị muộn có thể tử vong. Cục Y tế dự phòng và môi trường cũng cho biết: trong vòng 200 năm qua, tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả đã gây nên 7 vụ đại dịch. Có đại dịch số mắc lên đến cả triệu người, trong đó cả chục ngàn người tử vong.
Theo ông Nguyễn Huy Nga, bệnh tả lây theo đường tiêu hóa, qua đường nước bị nhiễm bẩn bởi phân người hoặc phân động vật và qua thực phẩm bị nhiễm các tác nhân gây bệnh trong quá trình chế biến hoặc bảo quản, bởi nước bẩn, qua bàn tay bẩn hoặc ruồi nhặng nhiễm phẩy khuẩn tả.
Tiêu chảy cấp do vi-rút Rota
Với trẻ nhỏ, tiêu chảy cấp do vi-rút Rota cũng là bệnh cấp tính nguy hiểm. Mắc tiêu chảy do vi-rút này thường xuất hiện các triệu chứng: nôn, sau đó tiêu chảy. Tiêu chảy có thể kéo dài từ 3-9 ngày. Theo các bác sĩ, do vừa bị nôn và tiêu chảy nhiều, trẻ nhiễm vi-rút Rota rất dễ bị mất nước, đặc biệt nguy hiểm nếu không được chăm sóc thích hợp. Tại VN, mãi đến năm 1980 mới nghiên cứu và xác định được vi-rút Rota là nguyên nhân chính gây tiêu chảy ở trẻ em. Có đến 56% trẻ nhập viện điều trị viêm dạ dày cấp có nguyên nhân do nhiễm vi-rút Rota. Hằng năm số trẻ chết do vi-rút này chiếm từ 4 – 5% các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Vi-rút Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt đồ vật.
Phòng bệnh bằng thói quen tố
Để phòng tiêu chảy cấp nguy hiểm, người dân cần thực hành các biện pháp vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh), vệ sinh môi trường (sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không vứt rác xuống ao hồ gây ô nhiễm nguồn nước, diệt ruồi), an toàn vệ sinh thực phẩm (ăn chín uống sôi, không ăn rau sống, tiết canh, không uống nước đá làm từ nguồn nước không đảm bảo) – Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường.
Các chuyên gia cho biết vi-rút Rota lây truyền qua đường phân – miệng và có thể lây qua đường hô hấp. Ngoài phòng bệnh chủ động bằng uống vắc-xin, với bệnh tiêu chảy do vi-rút Rota, việc duy trì vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân là “vắc-xin” phòng bệnh quan trọng. Trong đó, lưu ý vệ sinh nguồn nước, vệ sinh ăn uống (nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn…). Cần quan tâm vệ sinh dụng cụ đựng thức ăn cho trẻ. Người chăm sóc trẻ, cho trẻ ăn cần giữ vệ sinh cá nhân, có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn.
Với bệnh tả, Cục Y tế dự phòng và môi trường khuyến cáo: tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả đặc biệt nguy hiểm, một vụ dịch được xác định ngay khi có một ca mắc tả. Những yếu tố làm tăng nguy cơ lan truyền bệnh: thời tiết nóng ẩm, thiếu nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, không đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố, tình trạng mất vệ sinh ở những vùng sau lũ lụt, thảm họa.
Các vụ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm từng bùng phát tại Hà Nội trong năm 2007-2008, đầu năm 2009. Điều tra dịch tễ do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiến hành đầu năm 2009 đã tìm ra một trong những nguồn lây bệnh tại một cơ sở giết mổ chó. Nguồn nước bề mặt gần nơi giết mổ, dụng cụ chế biến có nhiễm vi khuẩn tả. Sau khi khoanh vùng, xử lý ổ dịch triệt để, các ca mắc tiêu chảy cấp do tả đã giảm nhanh. Điều này cho thấy, an toàn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường góp phần quan trọng trong phòng chống dịch.
Liên Châu (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)