Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tiêu chảy do vi rút

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời tiết giao mùa cũng là thời điểm gia tăng các ca mắc tiêu chảy do vi rút ở trẻ nhỏ. Là bệnh thông thường và rất sẵn các thuốc điều trị nhưng trẻ vẫn có thể tử vong nếu không được xử trí đúng, kịp thời.

Tiêu chảy ồ ạt

Chăm sóc bệnh nhi bị tiêu chảy tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – Ảnh: Thúy Anh 
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tiêu chảy cấp do vi rút rota thường gặp ở trẻ nhỏ từ 3 đến 24 tháng tuổi.  “Thông thường bé sẽ nôn trước, sau khoảng 1 – 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài. Bé có thể ho, sốt nên cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, thậm chí nghĩ rằng bé ho, sốt vì mọc răng”, TS Dũng lưu ý.
Tại phòng khám cấp cứu của khoa nhi, mẹ của một bé gái 13 tháng cho biết trước khi đến khám 2 ngày bé có sốt, nôn và sau đó bị tiêu chảy. Theo bác sĩ khám, cháu bé cần được bù dịch vì mất nước nhiều do nôn, tiêu chảy liên tục.
Mới đây, một em bé 20 tháng tuổi vào cấp cứu tại khoa nhi trong tình trạng hôn mê sâu. Mặc dù được khẩn trương cấp cứu nhưng bé đã tử vong sau nhập viện vài giờ. 2 ngày trước khi nhập viện, bé bị tiêu chảy. Trước đó bé nôn nhiều và sốt. Khi bé tiêu chảy, gia đình cho bé uống thuốc và mời bác sĩ đến khám tại nhà nhưng sau đó bé vẫn tiêu chảy ồ ạt đến 20 – 30 lần trong ngày. Bé được gia đình đưa vào cấp cứu với đầy đủ các biểu hiện của biến chứng nặng do tiêu chảy: li bì, co giật sốc trụy mạch.
Các bác sĩ cho biết, đây là ca tử vong do tiêu chảy hiếm gặp trong thời gian gần đây vì hiện nay điều kiện thuốc, bù dịch chống mất nước đã sẵn có tại các cơ sở y tế và việc xử trí không quá phức tạp. Tiêu chảy ở trẻ nhỏ, việc xử trí phải rất khẩn trương với bệnh nhân tiêu chảy nhiều, tốc độ mất nước nhanh. Cần lưu ý, nhiều trẻ vào viện vẫn mất nước nặng dù gia đình đã cho uống bù nước điện giải oresol. Nguyên nhân do bù nước nhưng không đạt hiệu quả vì bé nôn nhiều.
Bù nước
“Trong mọi trường hợp bị tiêu chảy, ưu tiên trước nhất là bù nước (oresol) để tránh rối loạn điện giải, rất quan trọng với bệnh nhân tiêu chảy”, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý.
“Tại gia đình, bù nước cho trẻ bằng đường uống (cho trẻ uống chậm). Ví dụ, với trẻ dưới 1 tuổi: 1 – 2 phút uống 1 thìa oresol. Nếu trẻ bị nôn ra, sau 10 – 15 phút cho uống lại. Với trẻ trên 1 tuổi cũng áp dụng như vậy, nhưng cho trẻ uống từng ngụm nhỏ”, bác sĩ Vũ Hữu Thời (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) hướng dẫn.
Người chăm sóc em bé phải chắc chắn là bù nước hiệu quả. Nếu bù nước không thành công (uống vào nôn ra), bị tiêu chảy ồ ạt, tốc độ mất nước nhanh… thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, co giật, sốc, hôn mê, dẫn đến tử vong do trụy tim mạch.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý thêm: “Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy, vì các thuốc đó không có tác dụng tiêu diệt vi rút mà còn làm giảm nhu động ruột khiến phân không được thải ra ngoài, dẫn đến tình trạng đầy trướng bụng, nguy hiểm cho trẻ”.
theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)