Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiêu chí chọn tác phẩm trong chương trình mới

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình Ngữ văn mới được thiết kế theo hướng mở điều này có nghĩa là chỉ quy định một số tác phẩm bắt buộc không thể không dạy, còn lại tác giả sách giáo khoa và giáo viên có thể tự chọn tùy theo vùng miền, đối tượng và cả yêu thích. Tuy nhiên, việc lựa chọn các tác phẩm khác không thể tùy hứng mà cần bảo đảm các tiêu chí và yêu cầu của chương trình đã quy định. Cụ thể, văn bản tác phẩm được chọn phải: Thứ nhất, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển các phẩm chất và năng lực theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình. Thứ hai, phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học. Từ ngữ dùng làm ngữ liệu dạy tiếng ở cấp tiểu học cần được chọn lọc trong phạm vi vốn từ văn hóa, có ý nghĩa tích cực, bảo đảm mục tiêu giáo dục phẩm chất, giáo dục ngôn ngữ, giáo dục thẩm mỹ và phù hợp với tâm lý học sinh. Thứ ba, có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại; nhất là có tính chuẩn mực và sáng tạo về ngôn ngữ. Thứ tư, phản ánh được thành tựu về tư tưởng, văn học, văn hóa dân tộc; thể hiện tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia; có tính nhân văn, giáo dục lòng nhân ái, khoan dung, tình yêu chân thiện mỹ, tình yêu thiên nhiên, tinh thần hội nhập quốc tế, hướng đến những giá trị phổ quát của nhân loại.

Ngoài ra, để bảo đảm cho việc lựa chọn đúng, chương trình còn nêu lên 3 yêu cầu, đó là: Thứ nhất, bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa văn bản văn học với văn bản nghị luận và văn bản thông tin. Trong văn bản văn học, chú ý bảo đảm sự cân đối tương đối giữa các thể loại cơ bản (truyện, thơ, ký, kịch), giữa văn học trung đại và văn học hiện đại, giữa văn học dân gian và văn học viết, giữa văn học dân tộc Kinh và văn học dân tộc thiểu số, giữa văn học Việt Nam và văn học nước ngoài. “Sự cân đối” ở đây được hiểu là một tỉ lệ thích hợp, chứ không phải có tỉ lệ bằng nhau. Thứ hai, bảo đảm sự phù hợp của văn bản tác phẩm với yêu cầu phát triển và thời lượng học tập của chương trình. Độ khó của các văn bản, tác phẩm đọc tăng dần qua từng năm học. Thời gian để dạy học một văn bản, tác phẩm phải tương thích với độ dài và độ phức tạp của nó để bảo đảm giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận đầy đủ và sâu sắc văn bản, cho học sinh có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những văn bản, tác phẩm được chọn học. Thứ ba, bảo đảm kế thừa và phát triển, chương trình Ngữ văn mới dựa vào các tác gia và tác phẩm văn học được học trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn và bổ sung một số tác giả, tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp và danh sách các văn bản, tác phẩm bắt buộc được quy định, tác giả sách giáo khoa chọn thêm những văn bản, tác phẩm phù hợp được khuyến nghị trong hoặc ngoài danh mục gợi ý ở cuối chương trình. Giáo viên và học sinh được chọn đọc một số văn bản tác phẩm mở rộng phù hợp với yêu cầu của chương trình và lứa tuổi để thảo luận trong nhóm, lớp.

PGS.TS Đ Ngc Thng
(Ban son tho chương trình Ng văn mi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)