Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tiêu chí ESG: “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp Việt vươn xa

Tạp Chí Giáo Dục

Phát triển bền vững gắn liền với kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng toàn cầu, trong đó, việc thực hành bộ tiêu chí Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) ngày càng được quan tâm sâu sắc và nghiêm túc hơn bởi cộng đồng doanh nghiệp (DN). Vấn đề đặt ra là làm sao để DN cần hiểu đúng về ESG, cơ quan chức năng sớm có quy định, hướng dẫn để thúc đẩy việc thực hành ESG.


Sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường là điều kiện sống còn của doanh nghiệp

Cần có lộ trình và sự đầu tư nghiêm túc

Trao đổi về các bối cảnh và vấn đề đặt ra trong thực hành ESG, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững, ông Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường – nhấn mạnh, phát triển kinh tế xanh không chỉ giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực với môi trường mà còn đem đến cho DN nhiều cơ hội mới trong mở rộng thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh trong hoạt động thương mại, đầu tư. Nhìn từ bối cảnh thế giới, có thể thấy, sau khủng hoảng toàn cầu về khí hậu, ô nhiễm môi trường, hàng loạt quốc gia đã đưa ra luật mới nhằm phát triển bền vững trong thương mại và đầu tư; nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới cũng ra đời, trong đó bao gồm yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững.

Theo ông Thọ, hành trình tiến tới phát thải ròng bằng 0 nhằm đáp ứng tiêu chí về E (môi trường) trong bộ tiêu chuẩn ESG thường mất vài năm. Trong đó, quan trọng là vấn đề liên quan đến đo lường phạm vi phát thải, bởi lẽ đây là cơ sở về hiệu suất ESG và cơ sở đặt mục tiêu của DN.

“DN cần kiến tạo lộ trình để tiếp cận tiêu chuẩn ESG một cách khoa học, có hiệu quả và phù hợp với mục tiêu đề ra”, ông Thọ khuyến nghị.

TS. Trần Du Lịch – Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – cho rằng, để thực hành ESG, DN cần có lộ trình và sự đầu tư nghiêm túc ở từng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị; trong đó quan trọng nhất là yếu tố liên quan đến quản trị. Bởi lẽ quản trị tốt sẽ là cơ sở giúp DN thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường, xã hội. Và trong yếu tố về quản trị, vấn đề quản trị rủi ro là điểm cần được chú trọng vì đây là vấn đề mà nhiều DN phải đối mặt khi bước vào thực hành tiêu chuẩn này.

Từ kinh nghiệm triển khai ESG tại DN, bà Huỳnh Thị Xuân Liên – thành viên Ủy ban ESG PNJ, Chủ tịch Hội đồng thành viên CAO – nhấn mạnh, ESG là những yếu tố quan trọng để đo lường và đảm bảo rằng DN đang phát triển bền vững và có tác động tích cực đến cộng đồng, môi trường. Việc đưa ESG vào thực tiễn sẽ thúc đẩy DN hướng tới các phương pháp hoạt động bền vững và đạt hiệu quả kinh tế hơn.

“Để triển khai ESG, một loạt các hoạt động hướng tới cộng đồng, tài nguyên và môi trường đã được PNJ thực hiện. Điều này bao gồm các chính sách kiểm kê khí nhà kính, quản lý nguồn tài nguyên cùng với các dự án CSR như Siêu thị Mini 0 đồng…”, bà Liên chia sẻ.

Bà Võ Thị Liên Hương – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin – cũng nhấn mạnh, các DN cần hành động hướng tới sự tạo lập hành trình ESG riêng cho mình nhằm thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng xanh và tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế.

Chỉ 28% doanh nghiệp có bộ khung theo dõi và kiểm soát rủi ro ESG

Bà Đỗ Thị Thu Hà – Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế của KPMG Việt Nam – cho biết, hiện nay các DN Việt Nam đã nhận thức được và đánh giá cao tầm quan trọng của việc thực hành ESG, trong đó có đến 80% DN cam kết hoặc lên kế hoạch thực hành ESG. Tuy vậy, khi đi vào chi tiết, chỉ khoảng 28% số DN tham gia  có bộ khung theo dõi và kiểm soát rủi ro ESG.

Nguyên nhân là do thiếu các hướng dẫn cần thiết, ý thức của các cá nhân trong công ty chưa đủ để thực hành một cách nghiêm túc.

“Để theo đuổi và áp dụng có hiệu quả các tiêu chí ESG, DN cần phải nhìn nhận và trả lời được câu hỏi về sự bền vững mà DN mong muốn, những biện pháp mà DN có thể áp dụng. Từ đó tìm ra cách tiếp cận phù hợp”, bà Hà góp ý.

Ông Giandomenico Zappia – thành viên Ban Lãnh đạo EuroCham Việt Nam – đánh giá, trong bối cảnh mọi Chính phủ, mọi DN đều hướng đến phát triển bền vững, việc đưa ra một báo cáo về ESG là cần thiết nhằm giúp DN đảm bảo tuân thủ, xác định rủi ro và cải thiện hiệu suất tốt hơn. Tại EU, nhiều quy định đã được ban hành như các định nghĩa xanh trong danh mục phân loại tài chính bền vững EU Taxonomy; yêu cầu trong quy định công bố các rủi ro bền vững; yêu cầu thẩm định ESG trong chuỗi cung ứng; cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Một quốc gia tại Đông Nam Á như Singapore cũng đưa ra nhiều đề xuất xây dựng lộ trình, chiến lược vận dụng chỉ số ESG trong đa dạng các lĩnh vực như chứng khoán, tài chính… Còn tại Việt Nam, Chính phủ đã bắt đầu có sự quan tâm hơn, minh chứng cụ thể thông qua việc đưa ra yêu cầu công bố tác động môi trường và xã hội của các công ty như tại Thông tư 96/2020/TT-BTC; xây dựng hệ thống phân loại xanh và hướng dẫn sổ tay báo cáo bền vững. Tuy vậy, việc không áp dụng bắt buộc tiêu chuẩn cụ thể cho ESG ở Việt Nam có thể dẫn đến sự không nhất quán trong thực hành báo cáo.

“Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cần nhanh chóng nghiên cứu và đưa ra các quy định, hướng dẫn để tăng cường sự minh bạch và thúc đẩy việc thực hành ESG tại Việt Nam”, ông Giandomenico Zappia đề xuất.

Luật sư Jumpei Nagaoka – Công ty Luật Nishimura & Asahi – đánh giá, khi các tiêu chuẩn trở nên khắt khe hơn, việc thẩm định ESG trong DN cũng cần phải có tiêu chí rõ ràng hơn. Bởi lẽ với việc thực hành ESG trong cả chuỗi giá trị, các rủi ro có thể xuất hiện ở nhiều giai đoạn, trong nhiều trường hợp khiến các bên dễ dàng vi phạm những cam kết trước đó dẫn đến những tranh chấp không mong muốn như: giao dịch liên quan đến cung ứng hàng hóa, dịch vụ; giao dịch về M&A; tiêu dùng và các tranh chấp khác liên quan đến môi trường, vi phạm quy chuẩn về yếu tố xanh, lao động…

“Để giải quyết các tranh chấp này, các bên có nhiều phương án để lựa chọn, trong đó trọng tài là một trong số những giải pháp có thể cân nhắc bởi những đặc tính nổi bật phù hợp với xu hướng quốc tế. Với sự gia tăng các điều khoản hợp đồng liên quan đến ESG và việc đưa ESG vào các hiệp ước đầu tư quốc tế, trọng tài thương mại sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến ESG thời gian tới”, luật sư Jumpei Nagaoka nói.

Phú Cát

Bình luận (0)