Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tiêu chí tuyển sinh đang lệch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT thì từ năm 2012, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên 2 tiêu chí: số sinh viên/giảng viên và diện tích sàn/sinh viên.
Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sẽ tăng từ mức 10,8 triệu người năm 2010 (bằng 22% tổng số nhân lực trong nền kinh tế), lên khoảng 15 triệu năm 2015 (27%) và khoảng 20 triệu năm 2020 (31%).
Trong khu vực dịch vụ, nhân lực tăng từ mức trên 13 triệu người năm 2010 (chiếm 26,8% tổng nhân lực trong nền kinh tế) lên khoảng 15-16 triệu năm 2015 và khoảng 17-19 triệu người năm 2020 (bằng khoảng 27%-29%). Còn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2010 là 24,9 triệu người (chiếm 51% tổng nhân lực trong nền kinh tế) năm 2015 là trên 24-25 triệu người (45% – 46%) và năm 2020 khoảng 22-24 triệu người (35% – 38%).
Bỏ qua quy hoạch
GS Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng khi đã có quy hoạch nhân lực thì việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh các trường phải bảo đảm yêu cầu kép: chất lượng và số lượng (theo ngành nghề, vùng miền). Bộ LĐ – TB – XH hoặc Bộ GD-ĐT sẽ điều phối tổng thể, giao chỉ tiêu theo từng ngành cho các cơ sở đào tạo để khi tổng hợp lại thì về cơ bản đáp ứng được tổng quy mô nhu cầu nhân lực quốc gia theo quy hoạch.
Ông Long cũng nhấn mạnh rằng làm được việc này là đã thực hiện mối liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp – xã hội, trong đào tạo. Nhà nước đặt hàng, cơ sở đào tạo thực hiện, người sử dụng và thị trường lao động không lo thiếu nguồn nhân lực.
Một giờ học của Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT thì từ năm 2012, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên 2 tiêu chí: số sinh viên/giảng viên và diện tích sàn/sinh viên. Cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm phải đạt đồng thời cả hai tiêu chí trên. Với quy định này thì khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, các trường chỉ chú trọng đến năng lực đào tạo của trường dựa trên 2 tiêu chí trên mà bỏ qua quy hoạch phát triển nhân lực đã được phê duyệt.
Bộ GD-ĐT cho biết dự kiến sẽ tuyển mới 576.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ trong năm 2012, trong đó chiếm nhiều chỉ tiêu nhất là ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng với 184.300 chỉ tiêu, tiếp đến là ngành kỹ thuật công nghệ: 172.800, ngành sư phạm: 54.600, ngành khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn: 51.800, ngành nông-lâm-ngư: 43.200; ngành y dược: 40.300; ngành nghệ thuật – thể dục thể thao: 29.000.

Thực tế nhiều năm qua, phần lớn các trường đều mở ngành và tuyển sinh dựa trên những kinh nghiệm của mình chứ ít có luận cứ khoa học chặt chẽ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc làm vì nhu cầu nhân lực với ngành học đó không cao.

Chênh lệch khá lớn
Theo thống kê, năm 2011 cả nước có gần 300 ngành học được tổ chức tuyển sinh tại 475 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Nhóm ngành kinh doanh có tỉ lệ thí sinh dự thi cao nhất: 10,98%. Kế đến các nhóm ngành đào tạo giáo viên (9,31%); kế toán – kiểm toán (9,00%); tài chính – ngân hàng – bảo hiểm (8,63%); xây dựng (4,05%); nông nghiệp (4,02%); y học (3,41%); chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống (3,18%); luật (3,03%); ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (2,81%); công nghệ kỹ thuật cơ khí (2,63%); kinh tế học (2,57%); công nghệ thông tin (2,54%); điều dưỡng, hộ sinh (2,34%); khoa học môi trường (2,27%); công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (2,21%); sinh học ứng dụng (2,04%); kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (1,94%); dịch vụ y tế (1,84%); kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật (1,03%).
Nhìn vào bảng thống kê trên đây có thể thấy giữa cơ cấu chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT đưa ra và nguyện vọng của thí sinh có sự chênh lệch khá lớn. Điều này giải thích được nguyên nhân tại sao ngành nông – lâm – ngư luôn rơi vào tình trạng khó tuyển triền miên khi số lượng chỉ tiêu dành ra hằng năm cho ngành này khá nhiều nhưng tỉ lệ thí sinh dự thi lại thuộc diện thấp nhất.
Cần cân đối
Nhóm ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng được Bộ GD-ĐT dự kiến có số lượng chỉ tiêu tuyển mới nhiều nhất trong năm 2012 nhưng theo ông Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, vẫn chưa có cuộc khảo sát tổng thể về sinh viên thuộc các ngành này.
Theo ông Chi, nguồn nhân lực của nhóm ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng đã dư thừa, nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc. Khi phân bổ chỉ tiêu, ngành quản lý cần cân đối xem xét lại, nếu không vài năm nữa sẽ thừa nguồn nhân lực ngành này.
Yến Anh
Theo NLDO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)