Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THPT: Không phải Bộ muốn là được!

Tạp Chí Giáo Dục

Việc đạt tiêu chuẩn diện tích nhà trường 6m2/học sinh trở lên đối với nội thành không hề đơn giản – Ảnh: H.T.D.

Theo lộ trình, đến tháng 9-2009, các sở GD-ĐT sẽ báo cáo việc áp dụng thí điểm tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhưng mới đầu năm, Bộ GD-ĐT đã ban hành.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THPT và sẽ áp dụng từ năm học này. Có rất nhiều tiêu chí được ban hành mà theo các nhà quản lý giáo dục là khó có thể thực hiện.
Chẳng hạn: các trường phải phấn đấu đến năm 2012 để 100% giáo viên được đào tạo đạt chuẩn và có ít nhất 10%-15% giáo viên trong tổng số giáo viên của trường, 50% tổ trưởng tổ chuyên môn có trình độ thạc sĩ trở lên.
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với một số hiệu trưởng trường THPT để tìm hiểu thực tế các trường hiện nay với việc thực hiện quy định của Bộ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thúy, Hiệu trưởng Trường dân lập Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội): Thạc sĩ chưa chắc đã dạy giỏi!
Là một trường dân lập được thành lập mấy chục năm nhưng hiện trường có 45 giáo viên dạy cả ba cấp, trong đó 28 giáo viên dạy cấp THPT nhưng chỉ có năm giáo viên có bằng thạc sĩ, (chiếm hơn 5%). Ngoài ra, hầu hết các trường dân lập đều gặp khó khăn về diện tích mặt bằng vì không được cấp đất nhà nước nên phải đi thuê. Hiện nay, tính trung bình mỗi học sinh của trường cũng chỉ được chưa đầy 5 m2. Chỉ xét sơ sơ hai tiêu chí này đã thấy trường không thể đạt trường chuẩn quốc gia rồi.
Nhiều người nghĩ rằng trường dân lập sẽ có nhiều kinh phí để thuê các giảng viên giỏi. Theo tôi, với cấp 3, thạc sĩ hay tiến sĩ cũng không quan trọng mà cần chính là giảng viên có trình độ chuyên môn giảng dạy thật tốt. Hiện nay, trường tôi vẫn tận dụng lực lượng giáo viên đã đến tuổi về hưu về giảng dạy. Những người này thực sự hiểu bài giảng và có thể ôn thi cho các em rất sát đề.
Theo tôi, bằng cấp của giáo viên không phải là tiêu chí để đánh giá trình độ giảng dạy của giáo viên đó. Có mấy cô có trình độ thạc sĩ hẳn hoi nhưng vẫn phải dự giờ để nắm bắt được những kinh nghiệm do giảng viên bình thường dạy. Đấy là bằng chứng sống, rõ ràng nhất hiện nay ở trường tôi.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Liên Hà (Hà Nội): Khó đạt chuẩn về cơ sở vật chất
Năm 2005, trường được công bố đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010, là một trong 100 trường THPT xuất sắc toàn quốc năm đó. Chỉ còn một năm nữa là hết thời gian được công nhận trường đạt chuẩn rồi. Nhưng với những tiêu chí mới này, trường khó có thể tiếp tục được công nhận bởi cơ sở vật chất của trường có nhiều khó khăn. Chúng tôi có đầy đủ các phòng cho học sinh, diện tích không thiếu nhưng lại thiếu trang thiết bị.
Mặt khác, hiện nay trường có 71 giáo viên, trong đó có chín giáo viên có trình độ thạc sĩ (chiếm 8%). Làm thế nào để ba năm nữa, số giáo viên đạt trình độ thạc sĩ lên 10%-15% theo như quy định của Bộ thì khó lắm!
Ông Nguyễn Tiến Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hà Nội): Tôi chỉ dám đăng ký trường tiên tiến
Hiện nay, tổng số giáo viên của trường có 76 người, trong đó chưa đến 10 giáo viên có trình độ thạc sĩ (chiếm khoảng 8%) và một giáo viên một năm nữa có bằng tiến sĩ. Song với hơn 40 lớp học (hơn 1.800 học sinh) hiện nay, nhà trường vẫn thiếu khoảng 14 giáo viên nữa.
Nếu lấy tổng số diện tích hơn 2.000 m2 mặt bằng chia cho tổng số học sinh thì chắc chắn trường tôi không đạt chuẩn quốc gia (6 m2/học sinh nội trú và 10 m2/học sinh vùng khác – NV). Chẳng bao giờ tôi nghĩ trường mình có thể đạt chuẩn quốc gia cả. Tôi tự đăng ký trường chỉ đạt tiên tiến thôi!
Ông Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu (trường chuẩn quốc gia): Bộ… “cướp cò”!
Tháng 1-2008, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đưa ra bộ tiêu chí quản lý chất lượng trường THPT, áp dụng thí điểm cho 78 trường THPT của 25 tỉnh, thành phố từ ngày 21-1-2008. Bộ tiêu chí gồm bốn lĩnh vực với 30 tiêu chí, chia thành 14 nội dung. Trong đó, hoạt động dạy học gồm bốn tiêu chí, bao gồm: quản lý chất lượng bài giảng; quản lý chất lượng sinh hoạt chuyên môn; quản lý chất lượng kiểm tra, đánh giá học sinh; quản lý việc dạy thêm, học thêm. Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục gồm: quản lý nhân lực; quản lý cơ sở vật chất; trang thiết bị, quản lý tài chính.
Theo lộ trình, đến tháng 9-2009, 25 Sở GD-ĐT mỗi đơn vị chọn thí điểm ba trường THPT của địa phương mình để lượng giá theo “chuẩn” bộ tiêu chí của Cục Khảo thí để biết mình đang “đứng ở đâu”.
Thế nhưng các sở chưa kịp làm thì ngày 30-12 vừa qua, Bộ lại ký quyết định ban hành quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục các trường THPT. Bộ chưa sơ kết 30 tiêu chí thực hiện “chấm điểm” trường THPT ban hành hồi năm ngoái thì đầu năm nay lại đưa ra chuẩn đánh giá khác khiến chúng tôi lúng túng, không biết căn cứ đánh giá chuẩn chất lượng giáo dục trường THPT theo cái nào.
Từ rất lâu, quy định trường chuẩn quốc gia đã không được quan tâm. Bảy, tám năm nay, để được công nhận trường chuẩn rất dễ dãi, chỉ cần trường xây trên khuôn viên đất rộng là đạt chuẩn và chưa chú ý đến chất lượng giảng dạy. Cũng từng ấy thời gian Bộ cũng chưa nâng chuẩn trường chuẩn (trường chuẩn chủ yếu được đặt tên trên cơ sở đất đai rộng).
Vấn đề vừa được Bộ đưa ra là 100% giáo viên được đào tạo đạt chuẩn, trong đó có 10%-15% giáo viên trong tổng số giáo viên của trường và 50% tổ trưởng tổ chuyên môn có trình độ thạc sĩ trở lên vào năm 2012 theo tôi là làm được. Tuy nhiên, cũng cần có quá trình, không phải đưa ra hạn định trong hai, ba năm mà chúng tôi đáp ứng được ngay. Bản thân Trường THPT Vũng Tàu đã từng bước thực hiện từ nhiều năm qua chứ không phải chờ Bộ quy định rồi mới làm nhưng vẫn vướng chuyện “chảy máu chất xám”, đào tạo xong thầy, cô bỏ đi. Vấn đề này cũng cần được Bộ quan tâm, có chính sách thu hút, giữ chân họ.
Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THPT gồm bảy tiêu chuẩn: Chiến lược phát triển của trường THPT; tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; thực hiện chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục; tài chính và cơ sở vật chất; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.
Trong bảy tiêu chuẩn trên, ngoài yêu cầu về trình độ thạc sĩ của giáo viên còn có các tiêu chí: Mỗi lớp học không quá 45 học sinh; mỗi giáo viên thực hiện ít nhất hai bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin; diện tích nhà trường phải đạt 6 m2/học sinh trở lên (đối với nội thành, nội thị) và 10 m2/học sinh (đối với các vùng còn lại); nhà trường có khối phòng học thông thường, phòng học bộ môn trong đó có phòng máy tính kết nối Internet phục vụ dạy học; thư viện nhà trường có phòng đọc riêng cho cán bộ quản lý, giáo viên và phòng đọc riêng cho học sinh, tối thiểu 50 m2/hai phòng; có ít nhất 70% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT…
Theo TỐ NHƯ – QUỐC VIỆT
Pháp luật TP.HCM

Bình luận (0)