Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Tiểu Diêm Vương tinh – thiên thể xa nhất hệ Mặt Trời

Tạp Chí Giáo Dục

Các nhà thiên văn học phát hiện hành tinh lùn mới có kích thước gần bằng một nửa Diêm Vương tinh ở nơi xa nhất của hệ Mặt Trời.

tieu-diem-vuong-tinh-thien-the-xa-nhat-he-mat-troi

Hình minh họa hành tinh lùn Sedna.

Theo IB Times, thiên thể mang tên V774104 là một hành tinh đá có đường kính 500 – 1.000 km, cách Mặt Trời khoảng 103 đơn vị thiên văn (tương đương 15,5 tỷ km). Để so sánh, Diêm Vương tinh – hành tinh xa nhất từng được tàu vũ trụ không người lái ghé thăm – ở cách Mặt Trời 5,9 tỷ km.

V774104 được kính viễn vọng Subaru ở Hawaii, Mỹ, tìm ra. Hai thiên thể khác được phát hiện trong khu vực vũ trụ này là Sedna và 2012 VP113.

"Chúng tôi không có thông tin nào về quỹ đạo của nó. Chúng tôi chỉ biết đây là thiên thể xa nhất từng được ghi nhận", Scott Sheppard, nhà khoa học ở Viện Carnegie, công bố phát hiện tại cuộc gặp hàng năm của Ban Khoa học Hành tinh thuộc Hiệp hội Thiên văn học Mỹ hôm 9/11 tại Maryland, Washington.

Các nhà khoa học không chắc chắn về nguồn gốc và quỹ đạo của những hành tinh lùn như 2012 VP113 và Sedna bởi khoảng cách quá xa so với Mặt Trời của chúng khiến việc nghiên cứu trở nên khó khăn. Một giả thuyết cho rằng quỹ đạo của chúng bị đảo lộn bởi một hành tinh bắn ra từ vòng trong hệ Mặt Trời cách đây hàng tỷ năm.

Một khả năng khác là những thiên thể này bị đẩy xa khỏi Mặt Trời bởi một ngôi sao ở gần đó quanh thời gian Mặt Trời hình thành. "Sedna và VP113 là những thiên thể duy nhất thuộc hệ Mặt Trời có quỹ đạo không thể giải thích thông qua các vật nằm trong hệ", Michael Brown, nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ California, cho biết.

Phương Hoa (theo vnexpress)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)