Tiểu đường (còn gọi là bệnh đái tháo đường) là bệnh mạn tính (suốt đời), với đặc trưng là nồng độ đường (glucoza) trong máu tăng cao hơn bình thường.
Vì sao người bị bệnh tiểu đường có nồng độ đường (glucoza) trong máu cao?
Có 3 lý do:
1) Tuyến tuỵ không tiết ra đủ insulin.
2) Các tế bào cơ, mỡ và gan không đáp ứng một cách bình thường với insulin.
3) Cả 2 lý do nói trên.
Các thể bệnh tiểu đường: Có 3 thể tiểu đường chủ yếu:
* Tiểu đường típ 1: Thường được chẩn đoán ngay từ khi còn ở tuổi trẻ nhỏ nhưng cả người trẻ trên 20 tuổi cũng có thể bị bệnh. Trong thể bệnh này, cơ thể không tiết ra insulin, cho nên cần tiêm insulin hàng ngày. Nguyên nhân chưa rõ, có thể có vai trò của gien, virus và có cả về tự miễn dịch (các tế bào tuyến tuỵ tự huỷ).
* Tiểu đường típ 2: Thường gặp hơn, là thể bệnh chủ yếu của bệnh tiểu đường. Hay xảy ra ở tuổi trưởng thành nhưng nay số người trẻ bị thể bệnh này cũng ngày càng tăng. Tuyến tuỵ không tiết ra đủ insulin để duy trì nồng độ đường trong máu ở mức bình thường, rất nhiều khi do cơ thể không có đáp ứng tốt với insulin. Nhiều người bị bệnh tiểu đường không biết mình có bệnh; thể bệnh này ngày càng nhiều do bệnh béo phì tăng và lối sống ít vận động.
* Bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai: Nồng độ đường glucoza có thể cao ở bất cứ thời điểm nào trong khi mang thai ở những phụ nữ không có bệnh tiểu đường từ trước.
7 yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường típ 2
1. Béo phì: nguy cơ số 1 của tiểu đường típ 2. Trẻ em quá cân cũng bị tiểu đường típ 2 nhiều hơn trẻ bình thường gấp 3 lần.
2. Lối sống ít vận động: Hoạt động nhiều giảm nồng độ đường trong máu, giúp insulin có hiệu quả hơn.
3. Có những thói quen không lành mạnh: Ăn uống hợp lý có thể thay đổi, đảo ngược hay phòng ngừa được bệnh tiểu đường. Đã từng bị kém dung nạp glucoza.
4. Lịch sử gia đình và yếu tố tố gien học: Hình như những người có người thân trong gia đình bị tiểu đường típ 2 thì chính họ cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh này.
5. Tuổi cao: Tuy đáng buồn nhưng là sự thật, trên 45 tuổi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường típ 2 cũng cao hơn.
6. Cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tim: 2 yếu tố đầu tiên là nguy cơ chính của nhiều bệnh, kể cả tiểu đường típ 2; gây tổn thương cho cả mạch máu của tim
7. Tiền sử bị tiểu đường khi có thai hoặc có buồng trứng đa nang: Tiểu đường khi có thai có tỷ lệ khoảng 4% ở phụ nữ có thai.
Các xét nghiệm nào cần làm để chẩn đoán bệnh? Thường làm các xét nghiệm sau:
* Đo nồng độ glucoza trong máu lúc đói: Nếu cao hơn 126mg/dl trong 2 lần xét nghiệm. Khi nồng độ từ 100 và 126mg/dl thì coi là tiền tiểu đường, báo hiệu nguy cơ bị tiểu đường típ 2 với các biến chứng của bệnh.
* Đánh giá sự dung nạp sau khi uống glucoza: Nếu nồng độ glucoza sau khi uống 2 giờ vẫn cao hơn 200mg/dl thì chẩn đoán là bị bệnh tiểu đường típ 2.
* Đo nồng độ glucoza sau khi đă ăn: Nếu cao hơn 200mg/dl kèm các triệu chứng của bệnh (khát nhiều, đái nhiều và mỏi mệt) thì nghi ngờ bị bệnh tiểu đường.
Điều trị: Hiện chưa có cách điều trị để khỏi hẳn bệnh tiểu đường.
Tiểu đường típ 1 thường khởi đầu đột ngột với nhiều triệu chứng nặng nên cần điều trị trong bệnh viện.
Về lâu dài, việc điều trị nhằm kéo dài sự sống; giảm nhẹ các triệu chứng; phòng các biến chứng như mù loà, bệnh tim, suy thận và phải cắt cụt chi do tắc các mạch máu nhỏ. Muốn vậy, cần trang bị các kỹ năng:
Tự xét nghiệm glucoza trong máu (phát hiện đường huyết thấp và cao); xét nghiệm phát hiện thể xêtôn trong nước tiểu (chỉ với tiểu đường típ 1) nhằm điều trị toan huyết.
Có hiểu biết về bệnh: Tiểu đường típ 2 khác típ 1 ở chỗ có thể có đáp ứng tốt chế độ thường xuyên vận động, chế độ ăn hợp lý và dùng thuốc uống (để hạ mức đường huyết cao). Tiểu đường típ 1 luôn phải tiêm insulin.
Có chế độ ăn hợp lý: Cân đối và ít mỡ cung cấp ít calo sẽ giúp giảm cân, càng ít mỡ và cơ bắp càng phát triển thì cơ thể càng ít kháng insulin.
Vận động: Rất quan trọng vì thường xuyên vận động không chỉ giúp giảm cân mà còn giúp giảm nồng độ glucoza trong máu do glucoza được sử dụng làm năng lượng. Giảm biến chứng nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Chăm sóc bàn chân: Do có thể bị tổn thương mạch máu, thần kinh và giảm sức đề kháng với nhiễm khuẩn. Bệnh tiểu đường không được chữa trị tốt có thể dẫn đến phải cắt chi.
Có nhiều loại thuốc (với nhiều tên biệt dược) nhằm giảm nồng độ glucoza trong máu và giúp cho insulin của cơ thể có hiệu quả hơn nhưng cũng phải kết hợp với thay đổi lối sống. Nếu dùng thuốc uống không đủ hiệu quả thì có thể tiêm insulin để kiểm soát nồng độ glucoza.
Theo Bác sĩ Đào Xuân Dũng
(Laodong)
Bình luận (0)