Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tiểu hồi giảm đau lưng, chữa đau bụng

Tạp Chí Giáo Dục

Tiểu hồi còn gọi là hồi hương, tiểu hồi hương, cốc hương. Tiểu hồi có mùi thơm đặc trưng, thêm vào các loại thức ăn giúp khử mùi hôi và phát ra hương thơm, kích thích tốt cho thần kinh khứu giác, tạo cảm giác thèm ăn và có giá trị dinh dưỡng. Mùi thơm chủ yếu xuất phát từ tinh dầu, thành phần chính gồm: anisylaceton, anpha-pine, camphen, anethole…
Công hiệu thực dưỡng
Tiểu hồi vị cay, tính ấm, công hiệu khai vị kiện tỳ, chữa chứng chán ăn, ăn no sình bụng, phân sống; làm ấm, điều hòa chức năng tiêu hóa và khử lạnh, dùng chữa chứng đau dạ dày, đau bụng dưới do lạnh, tăng cơ năng dạ dày, cầm nôn dùng chữa chứng đầy bụng, tức ngực buồn nôn… cũng như có tác dụng ấm thận, khử lạnh để chữa chứng đau lưng thận suy, đau sưng tinh hoàn, di niệu, bí tiểu…
Khoa học đã chứng minh, tiểu hồi giúp làm giảm trương lực dạ dày, làm cho nhu động bình thường, rút ngắn thời gian đào thải, tăng nhu động và trương lực của ruột. Tiểu hồi có tác dụng hoãn giải cơ thắt, giảm nhẹ cơn đau, kháng khuẩn giải độc, các thành phần tinh dầu.
Thông qua ăn uống, hấp thu ngũ vị cay (cay, chua, mặn, đắng và ngọt) thường ở tình trạng cân bằng. Thế nhưng, hiện nay rất nhiều người hấp thu quá nhiều vị ngọt, mặn, không chỉ trực tiếp gây ra béo phì mà sẽ bộc phát rất nhiều bệnh, tạo ra thể chất không tốt, giảm sức đề kháng. Tiểu hồi tươi, khoái khẩu giúp kích thích gai lưỡi, kích hoạt thần kinh vị giác, tăng bài tiết nước bọt, kích thích bài tiết dịch vị và dịch mật. Mỗi chuỗi tác dụng hệ thống này kết hợp lại sẽ thúc đẩy tiêu hóa, giúp ích cho việc đào thải phế phẩm kịp thời, có ích đối với việc phòng chống béo phì, tăng cường thể chất, nâng cao sức miễn dịch.
Tiểu hồi giúp làm đẹp
Tiểu hồi được xem là vật liệu giảm béo, làm đẹp mới, ngày càng được các bạn gái quan tâm. Các thành phần tinh dầu đặc thù chứa trong tiểu hồi có tác dụng giảm béo, đào thải chất bã góp phần rất lớn trong giảm béo phì. Ngoài ra, tiểu hồi còn đạt công hiệu làm săn da, ngừa nếp nhăn, “chuyển hóa” các lỗ chân lông to.
Thời cổ Hy Lạp đã xem hồi hương là thảo dược có tác dụng làm ốm, nữ giới thời La Mã thích dùng loại thuốc giảm béo đặc hiệu này. Bởi lẽ nhiều thành phần chứa trong hồi hương giúp ích cho cơ thể xúc tiến đào thải chất bã của chất béo dưới da, ngoài công hiệu làm thuốc còn có tác dụng lợi tiểu, gây ra mồ hôi, trợ giúp cơ thể “thanh lý” làm sạch. Hiện nay, tại các nước Bắc Âu, người ta dùng tiểu hồi làm ra trà giảm béo rất hiệu quả cho những người thể chất dễ phù thủng hay thể béo phì đơn thuần.
Món ăn bài thuốc từ tiểu hồi
Canh hồi hương: hồi hương 6g, riềng 6g, ô dược 6g, cỏ cú (sao) 9g, sắc hai nước, hòa trộn lại chia hai lần, uống liền một tuần chữa đau dạ dày, đau đì do lạnh.
Nước nấu hồi hương: tiểu hồi 30g sao giấm, sắc uống ngay khi ấm, dùng chữa đau bụng.
Tiểu hồi hương hoàn: hồi hương và tiêu với lượng bằng nhau, tán mịn trộn với rượu, vò viên lớn cỡ hạt đậu, mỗi lần uống 50 viên với rượu ấm, dùng ngày 2 lần, uống liền một tuần dùng chữa đau đì, hoặc dùng tiểu hồi 15g, uống với canh ngay lúc đau đì.
Tiểu hồi ram cật heo: tiểu hồi 10g, sao tán mịn, cật heo một cặp, cắt nhiều khía rồi rắc vào bột tiểu hồi, dùng tấm tàu hủ ki bọc lại, ram chín. Ngày một lần, dùng liền một tuần, dùng chữa đau lưng do suy thận, đái dầm.
Tiểu hồi bàng quang tán: tiểu hồi 6g, mai mực 15g đựng trong bàng quang (bọng đái) heo, nướng khô, tán bột, làm thuốc tán (mỗi lần dùng 3g, ngày uống hai lần với nước sôi để nguội, chữa đái dầm, tiểu sót…).
Bột tiểu hồi: tiểu hồi tán mịn, dùng nước gừng tươi khuấy nhão, đắp bụng dưới, mỗi ngày thay một lần, chữa bí tiểu không thông.
Tiểu hồi nhuyễn: tiểu hồi giã nhuyễn đắp tại chỗ, hàng ngày dùng nước muối rửa sạch, đắp lại, dùng chữa vết rắn cắn lâu ngày chưa khỏi.
Tiểu hồi nước đường: tiểu hồi 60g, gừng khô 15g, đường đen vừa đủ, sắc uống tác dụng ôn thận kiện tỳ, dùng chữa huyết trắng do tỳ thận hư hàn.
Trà tiểu hồi: hồi hương 9g, hãm với nước sôi, dùng uống thay trà, tác dụng ôn kinh tán hàn, dùng chữa trẻ em đau bụng do lạnh.
Rượu tiểu hồi: tiểu hồi 120g ngâm với rượu nếp 0,5 lít, tác dụng tán hàn chỉ thống, khai vị tiêu thực, dùng chữa chứng tỳ vị hư hàn, hấp thu kém, tiêu lỏng…
Cháo tiểu hồi: dùng cây hồi hương non vừa đủ, gạo 30g nấu cháo, tác dụng ôn thận tán hàn, chữa đau lưng thận suy, đau bụng, tiêu lỏng, đau đì…
Cháo tiểu hồi hạt vải: tiểu hồi 10g, hạt vải 15g, hạt quất 15g, gạo 50g, ninh cháo, tác dụng lý khí hoạt huyết, dùng chữa hiếm muộn do khí huyết ứ trệ, mạch xung nhâm không thông.
Lương y Nguyễn Công Đức (Khoa Y học cổ truyền, ĐH Y dược TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)