Giữa lúc bài toán cung cầu của hạt muối tại Bạc Liêu bày biện ra bao nhiêu điều bộn bề, Trường Đại học Cần thơ phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Bạc Liêu xúc tiến xây dựng các quy trình để xây dựng thương hiệu hạt muối Bạc Liêu.
Hi vọng khi có thương hiệu, hạt muối Bạc Liêu sẽ sớm thoát quy luật nghiệt ngã của thị trường: Được mùa mất giá, thất mùa được giá.
Muối đen phận bạc
Cho đến nay TCty lương thực miền Bắc mới chỉ thu mua gần 10.000 tấn muối tại Bạc Liêu. Trên 140.000 tấn muối của diêm dân còn nằm rải rác ngoài đồng. Lý giải điều này, TCty lương thực miền Bắc cho rằng nhu cầu của các doanh nghiệp chỉ tiêu thu muối trắng với chất lượng cao, trong khi diêm dân Bạc Liêu chủ yếu làm ra hạt muối đen. Nghịch lý này tồn tại đã nhiều năm trên vùng đất có diện tích sản xuất muối lớn nhất miền Nam, đến năm nay mâu thuẫn mới lên đến đỉnh điểm.
Hầu hết diêm dân Bạc Liêu vẫn quen với cách sản xuất muối nền đất với sản phẩm chính là muối đen. Ảnh: N.H |
Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đông Hải cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, làm cho sản lượng muối trong huyện tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Vào vụ thu hoạch diêm dân đón nhận thông tin Bộ Công thương cho phép nhập muối đã làm cho thương lái ép giá đẩy giá rơi xuống mức bằng với giá thành”. Sau khi Chính phủ có chủ trương mua muối tạm trữ trong dân, giao cho TCty lương thực miền Bắc trực tiếp thu mua nhưng nơi này chỉ mua muối trắng. Trớ trêu là diêm dân trong huyện chỉ sản xuất muối đen. Chính vì vậy dù chủ trương đã có, nhưng diêm dân khó bán muối.
Ông Lương Ngọc Lân, Phó giám đốc Sở NNPTNT phân tích: “Hiện tại diêm dân còn trên 140.000 tấn muối, chủ yếu là muối đen. Chúng tôi rất thông cảm với bà con, nhưng ngành nông nghiệp không thể thu mua muối cho bà con được. Về lâu dài bà con nên sản xuất muối trắng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên để làm được điều này, diêm dân cần được đầu tư thay đổi ngành nghề trong khi hầu hết đều thiếu vốn”.
Đi tìm hướng mở
Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở NNPTNT Bạc Liêu chính thức kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ vốn cho diêm dân thay đổi sản xuất ngay trong mùa vụ tới. Cụ thể cho vay để đầu tư bạt trải để sản xuất muối trắng.
Hiện nay Sở Khoa học Công nghệ Bạc Liêu đang xúc tiến xây dựng thương hiệu cho hạt muối Bạc Liêu. Động thái đầu tiên để đi đến việc xây dựng thương hiệu là xúc tiến chứng nhận chỉ giới địa lý (một khâu quan trọng để công nhận thương hiệu quốc gia). Tại buổi hội thảo gần đây về việc xây dựng chỉ giới địa lý, PGS-TS Nguyễn Bảo Vệ cho rằng, điều kiện tự nhiên vùng ven biển Bạc Liêu thuận lợi cho sản xuất muối thực phẩm. Các chế độ nắng, gió, độ ẩm, không khí và lượng mưa đều đáp ứng tốt cho việc sản xuất muối.
PGS-TS Nguyễn Bảo Vệ phân tích: “Muối thô sản xuất tại Bạc Liêu có hàm lượng NaCl trung bình 91,12% khi sản xuất trên nền đất và đạt đến 92,78% khi sản xuất theo phương pháp trải bạt, còn muối thô Việt Nam chỉ đạt 86,8%. Các hàm lượng CaSO4, MgCl2 nằm trong mức cho phép của muối Việt Nam. Đặc biệt, hàm lượng MgCl2 trong muối Bạc Liêu thấp nên có hương vị đậm đà, dịu ngọt rất độc đáo”.
Các đại biểu đều thống nhất nên quy hoạch lại đồng muối Bạc Liêu sao cho hợp lý; có bước đầu tư đúng mức; hướng dẫn diêm dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Trước mắt, ngành NNPTNT Bạc Liêu cần nhanh chóng quy hoạch lại sản xuất, giảm chi phí, tăng sản lượng, đặc biệt là tạo ra hạt muối trắng với chất lượng được phân tích.
Nhật Hồ / Lao Động
Bình luận (0)