Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tiểu thương vất vả bám chợ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Đại đa số các chợ ở TP HCM chỉ mới mở một phần nhỏ, sức mua chưa bằng phân nửa so với trước…
Các chợ truyền thống ở TP HCM sau thời gian giãn cách xã hội đã sa sút hẳn vì đa số khách hàng đã quen với mua sắm online hoặc mua hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Một bộ phận khách khác vẫn giữ thói quen mua hàng ở chợ nhưng thay vì đến tận nơi xem hàng thì họ điện thoại đặt mua.
Bán hàng qua điện thoại là chính
Hơn 9 giờ sáng đầu tuần, tại văn phòng Ban Quản lý chợ Xã Tây (quận 5), cứ khoảng 5-10 phút lại có 1 tiểu thương bước vô nộp kết quả xét nghiệm Covid-19 hoặc xin phép dọn hàng bán trở lại.
Bên trong chợ, các quầy sạp hàng hóa ê hề nhưng rất vắng khách, không nhộn nhịp như thời điểm trước dịch. Ở khu vực hàng tươi sống, chúng tôi quan sát thấy dù không có khách mua hàng nhưng vợ chồng chị Trinh, anh Tuấn vẫn cặm cụi làm vảy cá rồi rửa sơ qua nước sạch rồi cho vào bịch. Hỏi ra mới biết anh chị làm cá để giao cho khách đặt mua. Đang trò chuyện thì điện thoại vang lên, đầu dây bên kia hỏi mua cá lăng nhưng anh Tuấn trả lời nhanh là không có hàng, hẹn lại sáng hôm sau.
Chợ Xã Tây (quận 5) vắng khách dù mới hơn 9 giờ sáng
"Chợ mở lại từ 10-10 nhưng vắng lắm, tụi em không dám lấy hàng nhiều như trước, mà chủ yếu nhờ khách quen gọi đặt hàng. Sáng nay em bán được gần 10 đơn, ngày ít cũng 5 đơn. Ngày nào hết hàng sớm thì dọn sớm, ngày nào bán chậm thì tới qua trưa. Nhưng có trễ chút cũng không sao, miễn được ra chợ gặp người này người kia và kiếm được ít đồng lời mua đồ ăn cơm mỗi ngày là tụi em vui rồi" – chị Trinh cười híp mắt qua lớp khẩu trang.
Chị My, bán thịt heo gần đó, cũng cắm cúi chặt chân giò, xương ống theo đơn hàng của khách. Anh Tú, chồng chị, xòe cho chúng tôi xem xấp đơn hàng ghi vội trên giấy tập học trò, cho biết quầy thịt của vợ chồng anh bám chợ chủ yếu vì có nhiều khách quen. "Vợ tôi bán thịt heo ở chợ này đã hơn chục năm, luôn bán đúng hàng, đúng giá nên có nhiều mối quen là hộ dân lẫn quán cơm, hủ tíu quanh chợ. Đợt dịch vừa rồi, trước khi TP bắt buộc "ai ở đâu ở yên đó", chợ đóng cửa nhưng mỗi ngày vợ chồng tôi vẫn bán được gần 1 con heo, giờ TP nới lỏng giãn cách nhưng cũng chỉ bán nhiêu đó" – anh Tú chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng Ban Quản lý chợ Xã Tây, cho chúng tôi biết chợ chỉ mới mở lại hoạt động trên 50% sạp nên số tiểu thương còn lại rất nôn nóng. Họ hỏi thăm liên tục xem khi nào được quay lại buôn bán sau mấy tháng trời nghỉ tránh dịch. "Chợ ế lắm, trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 200 khách, bằng 1/2 so với trước. Mặt hàng nào tại chợ cũng là hàng thiết yếu nhưng phải tùy tình hình, an toàn đến đâu sẽ mở lại hoạt động chợ tới đó, nếu ổn thì vài ngày tới chúng tôi sẽ tăng lên 80% số sạp để bà con còn kiếm sống" – ông Sinh nói.
Tại chợ Tân Định (quận 1), anh Cường, chủ sạp trái cây Hồng Ba Lý, cũng than thở: "Chợ bây giờ vắng hẳn so với trước dịch Covid-19, mỗi ngày chỉ được vài khách. Mấy sạp này của các cô, dì cùng bán với mẹ tôi ngày trước, giờ vẫn bán theo kiểu truyền thống nên đang rất bất lợi" – anh Cường nói và chỉ tay về phía 3-4 sạp trái cây ế ẩm gần đó rồi kể tiếp: "Ngoài sạp hàng ở chợ, tôi còn bán online Tiki, Now (đã đổi thành ShopeeFood), website thegioitraicay và qua các trang mạng xã hội Faceboo, Zalo, YouTube… nữa. Bán hàng ở chợ lúc này chỉ dựa vào khách quen, còn khách mới thì phải tìm kiếm thông qua quảng cáo Facebook, Google" – anh Cường tiết lộ.
Hàng quần áo, giày dép sốt ruột
Theo khảo sát của chúng tôi, sau hơn 1 tháng TP HCM nới lỏng giãn cách xã hội, hầu hết các chợ vẫn còn dè dặt trong việc tổ chức lại kinh doanh, nhiều chợ chỉ cho phép một phần nhỏ sạp hàng mở cửa. Trong đó, các sạp bán vải, quần áo thời trang, giày dép, phụ kiện… vẫn chưa được mở cửa trở lại. Tại chợ Tân Định, chỉ mới hơn 100 trên tổng số hơn 1.000 sạp được bán hàng. Ông Lê Quang Thiện, trưởng ban quản lý chợ, cho biết chỉ còn hơn 1 tháng để kinh doanh mùa Tết nên tiểu thương ngành hàng vải ngóng từng ngày để ra chợ. "Ban quản lý cũng sốt ruột lây, mong dịch ổn hơn để mở ra thêm cho bà con bán Tết" – ông Thiện nói.
Những tiểu thương đã được "ngồi chợ" trở lại thì có áp lực khác. Chợ An Đông (quận 5) đóng cửa từ 31-5 đến 1-11, đến khi mở trở lại, nhiều tiểu thương giày dép, túi xách, phụ kiện… ứa nước mắt vì hàng hóa hư hỏng gần hết. Những sạp hàng thực phẩm khô dưới tầng hầm cũng bị ẩm mốc, hư hao nhiều, tiểu thương xoay tiền nhập hàng mới thì lại không bán được. Chị Trang, tiểu thương ngành hàng quần áo tại chợ An Đông và An Đông Plaza (quận 5), đang hết sức đau đầu vì mở cửa bán hàng cả tuần rồi mà không có một bóng khách.
"An Đông Plaza cho khoảng 50% tiểu thương mở bán lại. Trước ngày ra chợ tôi đã điện thoại một lượt cho khách quen nhưng không ai đến "mở hàng", cũng không có đơn hàng nào đi tỉnh" – chị Trang rầu rĩ. Tình hình quá tệ, chị Trang quyết định tiếp tục đóng cửa xưởng may, tìm cách tiêu thụ số hàng tồn từ trước khi giãn cách nhưng không mấy khả quan vì khách tỉnh không lấy hàng, còn khách sỉ tại TP đa phần đã nghỉ bán, sang cửa tiệm.
"Dịch tái bùng phát tại nhiều nơi, người dân hoang mang, giữ tiền để mua thức ăn chứ không quan tâm đến những thứ khác. Không được đi chơi, không tiệc tùng… thì đâu ai sắm sửa, làm đẹp làm gì" – chị Trang nói trong bế tắc.
Theo thống kê của các quận, huyện, TP Thủ Đức, hiện toàn địa bàn TP HCM có gần 160/234 chợ truyền thống hoạt động. Trong tuần này, dự kiến sẽ có thêm 8 chợ mở cửa, chủ yếu cho tiểu thương ngành hàng tươi sống trở lại kinh doanh.
Cần gỡ khó cho chợ truyền thống
Ban quản lý các chợ truyền thống phản ánh chợ đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tái mở cửa. Như tại chợ đầu mối Hóc Môn, trong ngày đầu tiên tái hoạt động, các tiểu thương ngành hàng thịt heo đã "sốc" vì không bán được con heo nào do tất cả khách hàng dồn hết ở chợ bên ngoài. Đến nay, lượng thịt tiêu thụ tại chợ cũng rất thấp vì mua bên ngoài dễ dàng hơn, giá rẻ hơn và không mất thời gian quét mã QR, đo thân nhiệt hoặc tuân thủ khoảng cách an toàn phòng chống dịch.
Tương tự, khách hàng vào chợ truyền thống cũng phải thực hiện quét mã QR, đo thân nhiệt hoặc khai báo y tế trên mẫu có sẵn (với khách hàng không sử dụng điện thoại thông minh) trong khi bên ngoài bán đủ loại hàng hóa, không phải kê khai hay kiểm soát gì. "Khoan nói đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chợ thực hiện bộ tiêu chí an toàn theo quy định nhằm bảo vệ sự an toàn cho tiểu thương, khách hàng. Tuy nhiên, việc thả nổi hoạt động kinh doanh tự phát đã tạo ra sự bất bình đẳng, thiệt thòi cho tiểu thương chợ chính thống, rất tội cho bà con" – trưởng ban quản lý một chợ lớn ở trung tâm TP nêu thực tế.
 

Phương An (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)