Cuộc đời của Pi là bộ phim phiêu lưu mạo hiểm 3D dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 2001 của nhà văn Yann Martel. Bộ phim được đạo diễn người Trung Quốc, Lý An đảm nhiệm dựa trên kịch bản phim chuyển thể của David Magee.
Cậu học sinh 17 tuổi Suraj Sharma được giao đảm nhiệm vai chính Piscine Molitor Patel với tên gọi tắt là Pi. Cuộc đời của Pi được dự kiến sẽ ra mắt khán giả ngày 21/11/2012 tới. Hiện nay, nhà sản xuất đã tung ra trailer của phim và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả và các nhà phê bình. Những hình ảnh ban đầu cho thấy bối cảnh trong phim được dựng lên phù hợp với tinh thần của tác và dường như không thua kém gì bức tranh huyền ảo mà người đọc hình dung ra trong câu chuyện cùng tên.
Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của chàng trai trẻ, người duy nhất sống sót sau vụ đắm tàu. Trên tàu trở toàn những người vượt biên từ Ấn Độ sang Canada, trong đó có gia đình cậu. Họ ra đi vì những biến cố chính trị xảy ra tại Ấn Độ lúc bấy giờ. Tất cả người thân trong gia đình Pi đều chết trong vụ tai nạn, chỉ còn mình Pi sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ cùng một con đười ươi, một con linh cẩu, một con ngựa vằn bị thương và một con hổ Bengal. Chúng đều là những con thú mà cha Pi đã quyết định mang theo khi vượt biên vì trước đó ông là chủ một sở thú. Dự định của gia đình Pi là khi sang Canada sẽ bán những con vật này đi để lấy vốn làm ăn.
Giờ đây trên con thuyền cứu hộ, cuộc đấu tranh sinh tồn bắt đầu diễn ra khắc nghiệt. Con linh cẩu xé toạc chân con ngựa vằn và những ngày sau đó nó ăn thịt con ngựa vằn từng chút từng chút một. Sau nó nó giết tiếp con đười ươi. Con hổ Bengal về sau ăn thịt con linh cẩu. Ban đầu Pi sống bằng thức ăn và nước uống để sẵn trên thuyền cứu hộ nhưng khi thức ăn hết, Pi phải câu cá cho mình và cho con hổ ăn để nó không ăn thịt Pi. Đồng thời, cậu cũng không muốn phải một mình lênh đênh giữa đại dương trong sự cô đơn, cậu muốn có con hổ bên mình làm bầu bạn. Vì vậy, sử dụng những kiến thức về tâm lý học động vật đã có trước đây vì gia đình vốn kinh doanh sở thú, Pi khiến con hổ tin rằng mình là một loài vật siêu đẳng hơn và vì vậy con hổ không dám ăn thịt Pi.
Pi và con hổ lạc vào một hòn đảo bí ẩn dường như được tạo nên từ những loại rong tảo. Sau khi đã hồi phục lại phần nào sức khoẻ, Pi phát hiện ra những loại tảo trên đảo đều là thực vật ăn thịt vì vậy cậu nhanh chóng đưa con hổ trở lại thuyền và tiếp tục lênh đênh trên biển. Nhiều khi Pi bị ảo giác vì phải chịu đói khát kéo dài. Khi con thuyền cập cảng Mexico, con báo liền chạy trốn vào khu rừng cạnh đó, vì vậy đội cứu hộ chỉ tìm thấy có Pi.
Sau này, những nhân viên hàng hải của Nhật có tới tìm gặp Pi để tìm hiểu về lý do chìm tàu. Nghe Pi kể câu chuyện của mình, họ không tin chút nào. Về sau Pi đã “chuyển thể” câu chuyện sang một phiên bản khác, không còn có những con vật mà thay vào đó là sự độc ác giữa người với người khi phải đối mặt với sự nghiệt ngã của sinh tồn. Trong câu chuyện tưởng tượng này, cậu hình dung ra những nhân vật chính gồm có mẹ cậu, một thuỷ thủ bị gẫy chân, một đầu bếp và cậu. Người đầu bếp giết người thuỷ thủ và mẹ của Pi để làm mồi câu cá và lấy thức ăn dự trữ trên thuyền. Khớp với câu chuyện đã kể ra trước đó, các nhân viên Nhật cho rằng Pi coi con đười ươi là mẹ cậu, con ngựa vằn là thuỷ thủ, con linh cẩu là đầu bếp và con báo Bengal là chính mình. Pi hỏi họ thích câu chuyện nào hơn và câu chuyện nào nghe có vẻ đáng tin hơn. Các nhân viên hàng hải Nhật thấy cả hai câu chuyện đều chẳng cho họ thêm manh mối nào về lý do chìm tàu và cũng chẳng câu chuyện nào có thể chứng thực được nên họ nói thích câu chuyện về những con thú hơn. Pi cám ơn họ và nói “Thế là đúng ý Chúa”.
Trước khi vị trí đạo diễn được giao cho Lý An, đã có nhiều đạo diễn và biên kịch được cân nhắc tham gia dự án làm phim này. Giám đốc của xưởng phim Fox 200 Pictures Elizabeth Gabler là người đã theo sát dự án này từ đầu đến cuối với những biến đổi liên tục trong nhân sự tham gia sản xuất phim. Gabler hồi tháng 2/2003 đã có ý tưởng chuyển thể câu chuyện Cuộc đời của Pi thành phim. Bà ngay lập tức thuê nhà biên kịch Dean Georgaris viết một kịch bản chuyển thể cho phim.
Tháng 10/2003, hãng phim này tuyên bố hợp tác với đạo diễn M. Night Shyamalan để thực hiện phim Cuộc đời của Pi. Shyamalan đã bị cuốn tiếu thuyết này thu hút từ lâu và đặc biệt hơn nữa nhân vật chính của là người Ấn Độ, quê hương của đạo diễn. Dự án làm phim dự kiến sẽ bắt đầu sau khi đạo diễn hoàn tất xong phim The Village. Shyamalan cũng thay thế nhà biên kịch Georgaris viết ra một kịch bản chuyển thể mới. Nhưng sau đó, kế hoạch thay đổi, Shyamalan quyết định làm đạo diễn chop him Lady in the Water, hãng Fox 2000 Pictures phải tiếp tục tìm đạo diễn khác. Shyamalan đã phát biểu trước báo giới năm 2006 rằng “Tôi khá lưỡng lự trước quyết định làm đạo diễn cho bộ phim này bởi nó có một kết thúc khá bất ngờ. Tôi không biết liệu mình có nên mạo hiểm gắn tên tuổi của mình với một tác phẩm có nhiều yếu tố mạo hiểm như vậy không. Mỗi người khi đọc cuốn truyện này đều sẽ có những cảm nhận khác nhau, tôi tin điều tương tự sẽ đến với bộ phim này.”
Tháng 3/2005, hãng bắt đầu gặp gỡ đạo diễn Alfonso Cuaron và đề xuất hợp tác. Nhưng Cuaron đã quyết định nhận thực hiện phim Children of Men vào tháng 11/2005. Fox 2000 Pictures lại tiếp tục hành trình gian nan đi tìm đạo diễn.
Họ tìm tới Jean-Pierre Jeunet. Jeunet bắt đầu viết kịch bản chuyển thể cùng Guillaume Laurant và phim dự kiến sẽ bấm máy vào giữa năm 2006 với nhiều cảnh thực hiện ở Ấn Độ. Jeunet cuối cùng cũng rút khỏi dự án vào tháng 2/2009.
Hãng phim cuối cùng tìm tới đạo diễn Lý An- đạo diễn gốc Hoa từng gây tiếng vang với Sắc giới, Núi yên ngựa… Tháng 5/2010, đạo diễn và nhà sản xuất Gil Netter yêu cầu mức đầu tư là 70 triệu đô la nhưng con số này khiến hãng Fox 2000 Pictures sửng sốt và quá trình thực hiện dự án bị đình trệ một thời gian. David Magee lúc này bắt đầu được mời viết kịch bản chuyển thể mới còn đạo diễn Lý An dùng khoảng thời gian đó để tìm người phù hợp với vai diễn chính. Sau khi chứng kiến 3.000 chàng trai Ấn Độ tới tham gia thử vai, đạo diễn Lý An đã quyết định chọn Suraj Sharma, một học sinh phổ thông 17 tuổi. Đây là vai diễn đầu đời của Sharma. Phim khởi quay vào tháng 10/2010. Với những cảnh đầu tiên được quay ở Đài Trung và công viên quốc gia Kenting của Đài Loan, những cảnh được quay tại Ấn Độ sẽ triển khai vào tháng 1/2011.
theo DTO
Bình luận (0)