Ảnh: shutterstock |
Bên cạnh dòng văn chương cổ điển chính thống, thế giới lại đón nhận một hình thái tiểu thuyết mới đang lan tỏa toàn cầu, bắt nguồn từ các phím bấm điện thoại.
Ai bất chợt nhìn đôi bàn tay của Runa sẽ thấy có gì đó là lạ. Dưới hai móng cái sơn màu bóng rực là ngón có những nốt chai sần. Kẻ không hiểu có thể nghĩ cô làm nghề thêu thùa suốt ngày với đê vải kim chỉ khiến da rộp cả lên. Thế nhưng, với thị dân Tokyo quen biết, họ hiểu ngay mình đang giáp mặt với một thành viên của oya yubi sedai- thế hệ ngón tay cái. Đây là tập thể trai có gái có, tuổi dưới 25, với điểm đặc trưng là sở hữu những ngón cái bấm nhanh như chớp trên mặt phím điện thoại di động (ĐTDĐ) và có thể bấm mọi nơi, mọi lúc. Chỉ khác với những người dùng di động khác là Runa bấm chữ, bấm số để làm việc thực sự. Mỗi động tác cô ấn xuống phím gộp lại sẽ thành từng dòng văn giúp cô trải đam mê và tình cảm mình ra trên chiếc “a-lô”. Runa đang sáng tác tiểu thuyết ĐTDĐ.
Tiểu thuyết ĐTDĐ, có tên Nhật là Keitai shosetsu, đang là một hiện tượng đỉnh tại đất nước hoa anh đào. Văn đàn Nhật có lẽ sắp phải ghi thêm những tên tuổi tác giả mới mà thành công đến chỉ trong một sớm một chiều nhờ tốc độ truyền của Internet. Runa, Rin, Han… các tên nghe cộc, ngắn, gọn, y hệt văn phong mới trên công cụ “cục gạch” thế kỷ XXI mà họ sở hữu. Trào lưu đọc viết mới lạ ấy đang lan tỏa cộng đồng thị dân khiến những đại gia xuất bản chuyên khai thác lợi nhuận không thể dửng dưng đứng ngoài. Năm 2007, trong 10 tiểu thuyết bán chạy nhất ở Nhật đã có 5 tác phẩm ra đời từ những phím bấm ký tự trên màn hình ĐTDĐ.
Tác giả của chúng gò nên câu chữ trong những lúc chờ tàu hay duỗi người bên ly cà-phê bốc khói trong một quán vỉa hè nào đó. Thứ văn chương ấy thành hình theo phong thái truyện, tiểu thuyết để đọc những lúc sốt ruột mong ngóng. Nghĩa là ngôn ngữ, câu chữ của chúng không dài. Từ chấm này đến chấm kia của một ý văn sẽ thô mộc hệt một tin nhắn. Người Nhật coi đây là dạng truyện manga không kèm hình ảnh. Qua tiết lộ của “nữ sĩ” Runa, luật bất thành văn của dòng tiểu thuyết keitai shosetsu bao gồm các chuẩn ngắn, nhiều câu thoại, ít mô tả, chứa tối đa chừng bốn nhân vật…
Công nghệ Internet phục vụ ĐTDĐ ra đời không chỉ giúp người dân chơi game, nghe nhạc, tìm thông tin, đặt vé, mua bán chứng khoán mà còn… viết sách, đọc truyện nữa. Trên các chuyến tàu điện ngầm đi đi về về ở Tokyo, lượng hành khách dựa lưng ngủ gà ngủ gật nay đã ngang bằng số người dán mắt vào màn hình chiếc “a-lô”. Họ làm đủ thứ với điện thoại, và không ít người tựa cô nàng Runa, đang viết tiểu thuyết. Runa đã có con nên khá bận bịu, thời gian sáng tác với chiếc “máy chữ đặc biệt” chỉ là những lúc con bé ngủ. Cô ngấu nghiến bấm đến tận 3 giờ sáng. Từng là một bartender quán rượu nên nhân vật của Runa thực là bản sao của thế giới người dưới ánh đèn tù mù ngợp khói thuốc. Đừng tưởng âm thầm sáng tạo sẽ không ai biết đến. Runa, với nickname Dear Annie, cũng có cả một lượng fan đông đảo. Họ gửi mail, nhờ cô tham vấn chuyện tình cảm, chia sẻ cảm tưởng về các nhân vật. Runa tâm sự “Có thể có người nghĩ truyện keitai shosetsu tầm phào, nhưng khi “bấm” , chúng tôi nghĩ mình sẽ giúp được ai đó bắt đầu thích đọc sách”. Cô nói thật vì đã từng nhận mail của một bé gái cho biết tiểu thuyết của cô là đầu sách truyện đầu tiên bé đọc trong đời. Những tác giả thế hệ ngón cái như Runa đều có kỹ năng thiên về mảng tiểu thuyết tình cảm mà hầu hết đều mang cái kết có hậu. Thời buổi nào người ta cũng cứ thích truyện có hậu mà. Còn văn hứng? Runa rảo tìm ở các tiệm sách khu Kanda. Cốt truyện mới nhất của Runa kể về một thanh niên chỉ mặn mà “cưa” các phụ nữ đã lập gia đình, gạt sang một bên những nàng độc thân. Mỗi tiểu thuyết điện thoại như thế được “bán” với giá chừng 2 USD qua mạng theo kiểu mua trọn cả truyện hay đọc chương nào trả tiền chương ấy. Hầu hết chúng ít khi in thành sách nhưng một khi đã được xuất bản dạng giấy thì cũng giữ giá từ 15 đến 20 USD/quyển. Công ty Starts đã ăn nên làm ra khi phát hành các phi vụ viết-đọc này. Tập đoàn Ichigo còn lập riêng một website văn chương ĐTDĐ, đến nay đã có 2 triệu thành viên với con số tăng 10.000 thành viên mới mỗi tháng.
Hằng ngày các tiểu thuyết gia thế hệ ngón cái này cứ tải chữ nghĩa lên cho độc giả thưởng thức. Nhờ phần mềm thống kê người ta biết ngay được truyện nào đang chiếm ngôi best seller qua bình chọn. Nhà sản xuất cứ dựa vào kết quả ấy để đưa truyện thật "hot" ra giấy trắng mực đen. Doanh số “mua bán” chữ nghĩa trên “a-lô” này cứ thế mà tăng nhanh. Truyện “hit” như Gift from an Angel đã tiêu thụ được hơn 2 triệu bản từ khi xuất hiện trên màn hình nhỏ của các “chú dế” năm 2006. So với số lượng 100.000 bản của một đầu sách giấy, văn chương Keitai shosetsu làm ăn cũng đâu có tệ!
An Nhiên (TNO)
Bình luận (0)