Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tìm cách đưa đặc sản vào siêu thị

Tạp Chí Giáo Dục

 

Khách hàng chọn đặc sản rau củ quả tại siêu thị Big C, Q.Gò Vấp
Trước đây muốn thưởng thức “cao lương mỹ vị”, người tiêu dùng phải đến tận gốc – nơi cung cấp ra các sản vật – để tìm mua. Nắm bắt được nhu cầu đó, hiện nay các siêu thị đã tìm cách đưa hàng hóa của từng vùng miền vào các gian hàng để làm phong phú thêm “thực đơn” về đặc sản. 
Tha hồ lựa chọn
Đến siêu thị Big C nằm trên đường Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM không chỉ choáng ngợp với số lượng hàng hóa lớn nhất nhì trong quận mà người mua còn thỏa mãn với việc “săn lùng” các loại đặc sản nổi tiếng ở nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ riêng mặt hàng lương thực đã có đủ các loại gạo để các bà nội trợ tha hồ lựa chọn. Nếu gạo thơm Nàng Yến loại 5 ký có giá 154.5000 đồng/ bao thì các loại gạo Hương Việt, Xiêm Hồng giá 101.800 đồng/ bao. Trước đây, nếp cái hoa vàng hay gạo Tám Xoan chỉ được nghe qua tên gọi chứ không biết “mặt mũi” như thế nào thì nay đã có hầu hết ở các siêu thị tại TP.HCM với giá 37.000 đồng/kg.
Trước đây, tại siêu thị Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chỉ bán các loại rau bình dân thì nay nhiều loại đặc sản cũng “chen chân” vào để phục vụ nhu cầu của khách mua như cải ngồng Hưng Phát 27.000 đồng/kg; chuối Laba 16.000 đồng/kg; tỏi Lý Sơn 78.000 đồng/kg. Chị Lan – ngụ ở đường Bạch Đằng, P.15, Q.Bình Thạnh giải thích: “Hồi trước, tôi thường dùng tỏi Hà Nội hay tỏi Đà Lạt nhưng từ khi siêu thị có bán tỏi Lý Sơn tôi lại quen mua mặt hàng này”. Theo chị Lan, tỏi Lý Sơn dù tép không lớn, giá mắc nhưng rất thơm và nồng. Nhìn tép tỏi cũng có thể dễ dàng phân biệt được tỏi Trung Quốc giá chỉ bằng 1/3.
Trong cuộc chạy đua đưa đặc sản vào các gian hàng, siêu thị Co.opmart trên đường Phan Văn Trị, P.7, Q.Gò Vấp còn có các loại trái cây loại 1 như xoài cát Hòa Lộc giá 79.000 đồng/kg hay sầu riêng Sáu Ri giá 41.500 đồng/kg. Ngay các mặt hàng chế biến sẵn cũng có thương hiệu riêng để tôn vinh các loại đặc sản như tương ớt Nam Dương, lẩu Hải Lộc, gà ta Gò Công, vịt Phạm Tôn…
Thực tế cho thấy, trước đây các loại đặc sản vùng miền đã có mặt ngoài thị trường, nhất là các quầy hàng bán đặc sản Hà Nội, hàng hóa từ miền Bắc, miền Trung hay miền Tây đưa về nhưng chưa tạo được một thị phần lớn như khi đưa vào siêu thị. Có được các mặt hàng này, trước hết cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất nông sản với nhà phân phối hàng hóa tiêu dùng. Đặc sản là hàng “độc”, quý hiếm, giá thành cao nếu sản xuất nhiều mà “kẹt” đầu ra thì người nông dân lỗ vốn và có thể dẫn đến khủng hoảng thừa. Ngược lại, nhà phân phối thiếu sự bắt tay nhịp nhàng cũng như sự hỗ trợ kịp thời cho nhà nông sẽ dẫn đến hụt hẫng trong khâu cung cấp nguồn hàng, từ đó ảnh hưởng đến “phần ngọn” của khâu kinh doanh.
“Bắt tay” để hợp tác
Bà Nguyễn Phương Thảo – Phó giám đốc siêu thị Maximart khẳng định, khi nhà nông sản xuất đặc sản và nhà phân phối có sự liên kết chặt chẽ thì cơ hội kinh doanh mặt hàng này sẽ được mở rộng và ổn định hơn. Theo bà Thảo, đây cũng là yếu tố quyết định đến nâng cao chất lượng và vị thế của loại sản phẩm này. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn gặp khó khăn khi hiện nay các nguồn cung cấp đặc sản còn theo dạng tự phát, chưa có một tổ chức hiệp hội nào đứng ra bao thầu cũng như bao tiêu sản phẩm. Đây là con đường bế tắc của trái bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh), cam Xã Đoài (Nghệ An), nem chua Thanh Hóa, kẹo Cu Đơ (Hà Tĩnh), chả rươi Hải Phòng… Sản phẩm các vùng miền hiện nay vẫn sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, làng nghề tủn mủn nên hầu hết yếu kém về công nghệ, ảnh hưởng lớn đến chất lượng ISO. Bên cạnh đó, do làm ăn theo mùa vụ, thụ động trong khâu sản xuất và chế biến nên nguồn hàng cung cấp không ổn định “lúc đắt lúc ế”. Đây cũng là lý do làm cho đầu ra luôn trong tình trạng bấp bênh, hạn sử dụng chỉ trong một thời gian ngắn, đó là chưa nói đến thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo ảnh hưởng đến khâu lưu thông hàng hóa.
Đưa đặc sản vào siêu thị là cách làm mới của các nhà phân phối độc quyền không ngoài mục đích lôi kéo khách hàng và tăng doanh số trong khâu kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không có cái “bắt tay” hợp tác giữa các bạn hàng đối tác thì mục đích đó sẽ thiếu tính chiến lược và luôn chịu cảnh “ăn xổi ở thì”. Đây chính là bài học cho các nhà sản xuất đặc sản và nhà phân phối hàng tiêu dùng trong việc mở rộng cơ hội kinh doanh, cũng như phục vụ tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng càng ngày càng khó tính như hiện nay.
Bài, ảnh: Hương Thủy
Cũng có mặt hàng chất lượng tốt nhưng chưa có kinh nghiệm trong cách trình bày mẫu mã bao bì nên chưa bắt mắt người tiêu dùng. Dù “của ngon vật lạ” nhưng do không biết đưa lên “bàn cỗ” để mọi người cùng thưởng thức nên đành mất giá. 
 

Bình luận (0)