Động thái phát hành tín phiếu để giảm áp lực và kìm hãm đà tăng của tỉ giá ở thời điểm này là cần thiết…
Sau vài ngày hạ nhiệt, ngày 26-9, tỉ giá USD/VNĐ đã nóng trở lại. Theo đó, Ngân hàng (NH) Nhà nước niêm yết tỉ giá trung tâm ở mức 24.084 đồng/USD, tăng 8 đồng so với hôm trước. Giá USD ở các NH thương mại tăng 90 đồng, lên mức 24.270 đồng/USD mua vào, 24.610 đồng/USD bán ra. So với đầu năm, giá USD trên thị trường đã tăng hơn 3%. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), đặc biệt vào thời điểm cuối năm.
Lên kế hoạch ứng phó
Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc marketing hệ thống cửa hàng Farmers Market, cho biết tỉ giá gần đây tăng mạnh buộc DN phải tạm hoãn lên kế hoạch hàng hóa cho mùa Tết để tính toán lại. Vì hơn 50% hàng hóa kinh doanh của hệ thống đều là hàng nhập khẩu nên tỉ giá tác động lớn đến kinh doanh.
"Sức mua đang rất yếu trong khi giá hàng nhập khẩu tăng vì tỉ giá sẽ khiến việc bán hàng khó khăn hơn. Chúng tôi dự kiến sẽ ngưng nhập nhóm hàng rủi ro cao (hàng cao cấp), với hàng tiêu dùng tầm trung sẽ giảm 50%, hàng bán tới đâu nhập đến đó, không trữ hàng để tránh tồn kho" – ông Lộc nêu giải pháp. Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ tìm kiếm một số nhà cung cấp sản phẩm trong nước với giá mềm hơn để thay thế hàng nhập khẩu phục vụ mùa Tết.
Đại diện một hệ thống bán lẻ tại TP HCM có nhập khẩu thực phẩm đông lạnh và trái cây trực tiếp từ Mỹ, Na Uy, Úc, Pháp… cho biết để chuẩn bị hàng hóa cho thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, DN đã phải ký hợp đồng mua hàng từ 5 – 6 tháng trước và đã thanh toán xong, giờ chỉ chờ hàng về theo tiến độ. Vì vậy, biến động tỉ giá lúc này chưa ảnh hưởng đến DN hay giá cả hàng hóa trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu tỉ giá tiếp tục neo cao trong 3 – 4 tháng nữa sẽ ảnh hưởng đến việc nhập hàng cho đầu năm 2024. Khi đó, giá cả thị trường nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng. Còn hiện tại, các DN vẫn trong xu hướng giữ giá để kích cầu tiêu dùng nên trước mắt, tỉ giá tăng sẽ chưa tác động rõ rệt.
Tỉ giá tăng nóng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt vào thời điểm cuối năm
Với ngành điều, phần lớn nguyên liệu đã được nhập khẩu từ trước, nay chế biến xuất khẩu với tỉ giá cao tưởng chừng được hưởng lợi nhưng ông Vũ Thái Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước – cho biết việc này không đáng kể. Bởi các DN xuất khẩu vay USD và trả bằng USD nên không có gì thay đổi.
Chưa kể, lãi suất vay USD hiện tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 nên chi phí tài chính của DN bị đội lên. "Năm nay, Công ty CP Long Sơn có vay một ít bằng VNĐ vì được chào lãi suất rẻ hơn, còn lại vẫn phải vay USD" – ông Sơn nói.
Ông Lê Tiến Trường, đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cho hay sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, như sự ảm đạm của thị trưởng chung toàn cầu, xu hướng chuyển dịch đơn hàng – đặc biệt là những đơn hàng nhỏ – sang các nước có lợi thế về địa lý. Nhưng trước hết, phải nói đến yếu tố giá ngoại tệ tăng cao đã tác động rất lớn đến các DN xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng.
Trong khi đó, ông Phạm Dũng, Phó Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giấy Xuân Mai, nêu kinh nghiệm ứng phó với biến động tỉ giá là phải mua USD của NH trước từ 1 – 2 tháng để không bị động. "Do có kinh nghiệm nên cách đây mấy tháng, công ty đã mua tỉ giá ở mức 23.700 – 23.800 đồng/USD, nay đã lên 24.300 – 24.500 đồng/USD" – ông Dũng chia sẻ.
Ông nhận định có thể Mỹ sẽ hạ lãi suất vì đã kiểm soát lạm phát nên tỉ giá sẽ không có biến động mạnh từ nay đến cuối năm và khả năng sẽ chỉ dao động trong khoảng 24.300 – 24.500 đồng/USD, vì thế không đáng lo ngại.
Cân nhắc bán ngoại tệ
Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Quốc Anh, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định việc NH Nhà nước có động thái phát hành tín phiếu để giảm áp lực và kìm hãm đà tăng của tỉ giá ở thời điểm này là cần thiết. Bởi cuối năm, các DN có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, máy móc, thiết bị là rất lớn, tỉ giá tăng nhanh trong giai đoạn ngắn sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN.
"NH Nhà nước cũng có thể cân nhắc bán ngoại tệ ra thị trường để hạ nhiệt tỉ giá. Bởi dù tỉ giá tăng vẫn ở trong ngưỡng 2%-3% cho cả năm 2023 như dự kiến nhưng đối với DN nhỏ và vừa, sự biến động này là sức ép đáng kể vì rất ít khi sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro về tỉ giá" – TS Quốc Anh nói.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối nghiên cứu phân tích – Công ty Chứng khoán Maybank, đánh giá NH Nhà nước đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để bảo đảm liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu.
"Thị trường cần làm quen với động thái này của NH Nhà nước cho đến khi lãi suất liên NH nhích lên, góp phần hạ nhiệt tỉ giá mà vẫn bảo đảm lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Năm nay, cơ quan quản lý chủ động hơn rất nhiều trong việc điều hành tỉ giá và lãi suất, nếu không có những sự kiện bất ngờ, NH Nhà nước hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu giữ tỉ giá ổn định và duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ phát triển kinh tế" – ông Thành dự báo.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NH Nhà nước – Chi nhánh TP HCM, nhấn mạnh cùng với việc điều hành linh hoạt các công cụ thị trường mở, nghiệp vụ phát hành và mua bán tín phiếu của NH Nhà nước phù hợp, hợp lý trong mỗi giai đoạn sẽ có tác động tích cực, hiệu quả đến tỉ giá. Còn việc tỉ giá biến động trong ngắn hạn là bình thường và phù hợp, không đáng lo ngại.
"Sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối trong suốt thời gian qua là yếu tố môi trường thuận lợi và tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin của người dân, DN, nhà đầu tư đối với chính sách tiền tệ, tỉ giá và lãi suất của NH Nhà nước. Hiện cung cầu ngoại tệ được bảo đảm, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và DN được đáp ứng. Đặc biệt, cán cân thanh toán xuất nhập khẩu vẫn bảo đảm, các nguồn cung ngoại tệ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực" – ông Nguyễn Đức Lệnh nói.
Cần linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa
Theo TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, thời gian tới, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro gia tăng bên ngoài và cả bên trong. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm, đặc biệt là tại các thị trường lớn, sẽ tạo áp lực lên khu vực xuất khẩu và việc làm cho người lao động. Trong khi đó, bất ổn của chính trị, kinh tế và tài chính toàn cầu kết hợp với các chính sách dịch chuyển đầu tư về nội địa sẽ khiến cho các dòng vốn đầu tư nước ngoài không còn dồi dào như trước.
Ông Phước nhận định tỉ giá luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước thay đổi. Tuy vậy, hầu hết các yếu tố tác động tới tỉ giá đều đang theo hướng có lợi cho đồng tiền Việt Nam. Cụ thể, so sánh tương quan với nhiều nền kinh tế lớn thì tỉ lệ lạm phát của Việt Nam không cao hơn, đồng thời, mặt bằng lãi suất của nước ta đang ở mức cao hơn. Cả 2 yếu tố này là cơ sở cho mục tiêu ổn định tỉ giá trong năm 2023.
Ngoài 2 yếu tố trên, tỉ giá hối đoái còn được hỗ trợ vững chắc của cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh thặng dư xuất khẩu hàng hóa, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phục hồi và lượng lớn kiều hối chuyển về hằng năm là các yếu tố tích cực giúp tỉ giá biến động trong phạm vi không quá lớn.
Mặt khác, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt đáng kể nên nhiều khả năng chính sách tiền tệ của các NH trung ương sẽ không thắt chặt mạnh như trước, mà phải tính tới khả năng điều chỉnh để phòng ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế. Năng lực dự báo các yếu tố bên trong và bên ngoài, cách thức chuẩn bị và thực thi các phương án ứng phó với các biến động từ bên ngoài đóng vai trò quyết định đối với khả năng quản lý tỉ giá của NH Nhà nước. "Ở trong nước, việc duy trì được ổn định hệ thống tài chính và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nhờ điều hành linh hoạt và hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa cũng sẽ tạo điều kiện để đồng nội tệ không bị giảm giá quá nhiều" – ông Trương Văn Phước lạc quan.
|
THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)
Bình luận (0)