Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tìm cách thoát “vòng kim cô”

Tạp Chí Giáo Dục

Hai năm qua, việc xuất khẩu gạo trở nên khó khăn, nếu không nói là cực kỳ khó khăn khi mà tình trạng người bán nhiều hơn người mua. Ngày càng xuất hiện nhiều quốc gia là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong hiện tại như Ấn Độ, Pakistan hay tiềm tàng tương lai gần là Myanmar.

Tìm chiến lược phù hợp

Theo nhận định của các chuyên gia, ngay cả Campuchia cũng sẽ là đối thủ lâu dài của hạt gạo Việt Nam một khi chính phủ nước này hoàn tất hệ thống thủy lợi khai thác diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng hết hay chỉ một vụ như hiện nay. Nếu làm tốt, Campuchia sẽ là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu về gạo. Nhờ Thái Lan áp dụng chính sách hỗ trợ giá mua lúa của nông dân nhưng bị tắc đầu ra nên Việt Nam còn hưởng lợi thị trường gạo chất lượng cao và gạo thơm do giá gạo Việt Nam thấp hơn. Trong khi đó, những nước nhập khẩu thường xuyên và là khách hàng lớn của Việt Nam nhiều năm trước đây như Indonesia, Philippines đang giảm lượng gạo nhập khẩu, thậm chí 2 nước này còn tuyên bố sẽ tiến tới việc dừng nhập khẩu gạo do từng bước tự túc được lương thực.

Thu hoạch lúa tại huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Trong nông nghiệp, người trồng lúa có thu nhập thấp nhất so với nhiều loại cây trồng khác. Năm 2012, thu nhập bình quân người nông dân hơn 700 USD/người/năm so với thu nhập bình quân người dân cả nước khoảng 1.540USD/người/năm, thế nhưng với người trồng lúa, con số này chỉ hơn 380USD/người/năm. Khảo sát của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cùng với Tổ chức Oxfam Việt Nam cho thấy, thu nhập người trồng lúa khu vực ĐBSCL chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trong tổng thu nhập của nông hộ. Năm 2008, người trồng lúa thu được 64% trong cơ cấu thu nhập của mình, đến năm 2010, con số này chỉ còn 50%. Tỷ lệ này còn có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm hộ có quy mô đất khác nhau, trong đó 80% nông hộ có diện tích dưới 5.000m² đất chỉ thu được 20% thu nhập từ lúa. 2 năm nay, khi việc xuất khẩu khó khăn, giá lúa gạo sụt giảm thì thu nhập từ cây lúa bị ảnh hưởng càng rõ nét.

Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, tương lai việc tiêu thụ gạo của con người nhìn chung sẽ giảm xuống khi đời sống được nâng cao. Do vậy nhà nước và ngành nông nghiệp phải dựa vào những nghiên cứu về định hướng an ninh lương thực để có chiến lược phù hợp. Đồng quan điểm này, ông Steven Jaffee (Ngân hàng Thế giới – WB) cũng nhận định, về lâu dài lợi nhuận từ việc trồng lúa lúa sẽ giảm xuống. Phải chăng đây là lúc phải tính đến việc đa dạng hóa các loại cây trồng. Những nhà quản lý cần mạnh dạn thoát ra khỏi “cái bóng” của cây lúa, nhìn xem loại cây trồng nào giá trị hơn, tiềm năng hơn và có bước đi phù hợp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người trồng lúa hiện nay. Không thể “phân công” người trồng lúa làm mãi nhiệm vụ an ninh lương thực cho thế giới như ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chua chát nhận xét. Nghịch lý ở chỗ, lúa gạo dư thừa, khó bán, thu nhập người trồng lúa giảm dần nhưng ngành chăn nuôi lại phải bỏ ra hơn 3,5 tỷ USD/năm nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có cả cám gạo, bắp, đầu nành, bột cá mà Việt Nam đang trồng và xuất khẩu.

Bài toán thức ăn chăn nuôi

Hệ lụy của việc lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi một lần nữa tác động ngược lại người nông dân, trong đó có người trồng lúa. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao góp phần vào việc đẩy chi phí giá thành chăn nuôi cao thêm làm người nuôi bị thua lỗ do không cạnh tranh lại thịt đông lạnh nhập khẩu hay gia cầm nhập lậu. Điều này đã diễn ra từ lâu nhiều lần, gần 8 tháng năm 2012, từ sau Tết 2013 giá thịt các loại lại giảm dưới giá thành, người chăn nuôi tiếp tục lao đao. Điều bất thường, khi tốc độ tăng đàn chậm như hiện nay nhưng giá bán lại thấp thay vì ngược lại như thông lệ.

Cái vòng lẩn quẩn của ngành chăn nuôi và nguy cơ thua lỗ của người nông dân suy cho cùng là do nhà nước không “quản” được trong việc điều hành xuất nhập nông sản. Trong lúc chúng ta xuất khẩu dừa, bắp, cám gạo với giá thấp thì nhà chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước phải nhập khẩu những nguyên liệu này với giá cao, lại gánh thêm phần thuế VAT. Vì tình trạng này, TS Lê Bá Lịch, nguyên Cục phó Cục Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho rằng, đến lúc nhà nước tính toán lại cơ cấu cây trồng, nhất là lúa, nên giảm diện tích lúa khu vực nào năng suất thấp hoặc xen canh để chuyển qua cây trồng phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu nành để vừa góp phần tăng thu nhập người trồng lúa vừa giúp chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thay vì nhập khẩu. Tất nhiên nhà nước cần có giống tốt, hướng dẫn kỹ thuật giúp người trồng có năng suất cao để giải quyết cho được bài toán thu nhập.

Chỉ khi thu nhập cao hơn lúa mới có thể khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển dịch cây trồng. Đây không là chuyện đơn giản nhưng cũng không còn con đường nào khác. Điều quan trọng trước tiên là cần thoát ra khỏi “vòng kim cô” giữ cho được 3,8 triệu ha đất lúa. Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia chỉ cần hơn phân nửa diện tích trên là đủ. Đến lúc cần ngoái lại để xem cái lưng của người trồng lúa đã “còng” đến đâu!

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, giá các sản phẩm chăn nuôi trong nước thấp hơn so với các nước trong khu vực khá nhiều như giá heo hơi bình quân quý 1-2013 chỉ 40.000 – 41.000 đồng/kg, ở Thái Lan là 43.000 đồng/kg, Trung Quốc là 46.000 đồng/kg, trứng gà công nghiệp bình quân 16.000 đồng/chục, ở Thái Lan 19.000 đồng/chục, Philippines 20.000 đồng/chục. Thế nhưng giá thức ăn chăn nuôi trong nước lại cao hơn 10% – 15% so với Thái Lan, như thức ăn chăn nuôi cho heo choai trong nước 13.000 – 14.000 đồng/kg, ở Thái Lan dưới 12.000 đồng/kg.

CÔNG PHIÊN (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)