Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tìm chỗ học cho trẻ ở Hà Nội: Lời giải cho bài toán khó

Tạp Chí Giáo Dục

Từ 1 đến 15-7, thời điểm tất cả các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội tuyển học sinh đầu cấp. Cứ mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện "chạy trường” và phụ huynh phải trắng đêm xếp hàng kiếm cho con một suất học lại trở nên nóng. Theo lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo(GD-ĐT) Hà Nội, để trả lời cho câu hỏi bao giờ mới hết cảnh xếp hàng xin học cho con vẫn là một bài toán khó giải.
Xếp hàng, bốc thăm để con được đi học
Ý thức được những "điểm nóng” trước mùa tuyển sinh, đó là tình trạng xếp hàng xin học cho con ở các trường mầm non, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các trường cần phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn trong công tác tổ chức tuyển sinh. Kết quả của việc đi sâu đi sát của các ngành chức năng đã đem lại hiệu quả khá tích cực. Theo bà Lan Hương, Trưởng phòng Mầm Non, sở GD-ĐT Hà Nội, tình trạng phụ huynh xếp hàng trắng đêm để xin một chỗ cho con vào trường công lập đã giảm đáng kể. Những năm trước khá nhiều trường mầm non, đặc biệt những trường ỏ khu vực đông dân cư, người dân có thể "dễ dàng” chứng kiến rất nhiều phụ huynh xếp hàng trắng đêm xung quanh khu vực trường. Theo bà Hương chỉ còn một số ít trường còn trình trạng phụ huynh xếp hàng xin học cho con. Lý do khiến phụ huynh vẫn phải xếp hàng xin học là bởi số lượng trẻ em đến trường ở khu vực này vượt gấp nhiều lần cơ sở vật chất của trường.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến hẹn lại lên, mới chỉ là những ngày đầu các trường tuyển sinh đầu cấp, thế mà đêm trước ngày tuyển sinh của những ngôi trường "có tiếng”, người đứng, kẻ ngồi vạ vật thâu đêm suốt sáng để mong kiếm cho con một chỗ học ưng ý. Chị Hương ở Thành Công cho biết, địa bàn phường có 2 trường công lập là trường Thành công A và trường Tuổi Hoa và dù con chị học đúng tuyến nhưng cũng khó nhập trường.
Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, năm nay tình trạng xếp hàng của các phụ huynh ít đi là bởi nhiều trường đã có sáng kiến mới, bốc thăm để con được đến trường. Tuy nhiên, phương án này cũng làm không ít phụ huynh khá bức xúc vì thực tế con trẻ được đến trường là quyền của bất kỳ đứa trẻ nào trong khi bốc thăm lại liên quan đến yếu tố may rủi.
Không để trẻ không có chỗ học
Trả lời cho câu hỏi làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng phụ huynh phải vạ vật cả đêm xếp hàng xin học cho con, bà Nga cho biết: Để xảy ra tình trạng xếp hàng của phụ huy là bởi, dù quy định của TP đã ghi rõ, mỗi phường đều phải có một trường mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số địa bàn ở nội thành chưa có đủ trường cho mầm non, tiểu học và THCS. Về vấn đề này, Sở đã có tham mưu với TP về chủ trương ít nhất có một nửa số điểm trường tại các khu đô thị mới phải là trường công lập, số còn lại xây theo mô hình xã hội hóa. Việc để dành quỹ đất để xây dựng trường học công lập tại các khu đô thị mới nhằm giải quyết chỗ học cho trẻ trong khu đô thị và đó cũng là việc làm giảm áp lực trái tuyến cho những trường học ở khu vực lân cận. Trong kế hoạch giải tỏa các nhà máy xí nghiệp và các trường ĐH ra khỏi nội thành, TP cũng đã có chủ trương sẽ ưu tiên dành một phần quỹ đất ở đó để xây dựng trường học. Ngoài ra, với các quận nội thành, phương án thí điểm thiết kế xây trường học cao tầng để tăng số m2 sàn sử dụng cũng đã thu được kết quả tích cực, tăng thêm nhiều chỗ học cho học sinh. Bà Nga hy vọng thời gian tới sẽ đáp ứng được tối đa nhu cầu học của trẻ trên địa bàn.
Tuy nhiên, để giải quyết toàn bộ những bất cập nêu trên, không thể làm ngay trong ngày một ngày hai mà cần có thời gian và lộ trình thích hợp . Bà Nga khẳng định chủ trương chung trên địa bàn là không để trẻ không có chỗ học. Nhưng trước mắt trong điều kiện hiện nay, Hà Nội mới chỉ ưu tiên cho lứa tuổi 5 tuổi được học trường công lập trên toàn địa bàn.
Theo Lục Bình
daidoanket

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)