Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Tìm chữ bên dòng Long Đại

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày hai lần, học sinh ở bản Cây Sú lội sông Long Đại tới trường và về nhà
5 năm trở lại đây, phụ huynh và học sinh tại nhiều bản làng bên dòng sông Long Đại thuộc xã Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) đã ý thức được tầm quan trọng của con chữ.
Dù đường sá xa hàng chục cây số, lại cách trở sông suối nhưng con em của đồng bào dân tộc nơi đây đã không quản khó khăn để đến trường…
1. Chiều cuối tuần, cậu học sinh lớp 11 Hồ Văn Nhàn – con ông Hồ Via ở xã Lâm Thủy – học ở trường nội trú tỉnh Quảng Bình cọc cạch đạp xe về thăm nhà. Ngay từ con đường đất dẫn vào bản, lũ trẻ tíu tít đuổi theo sau xe Nhàn. Nhìn đám trẻ hò reo, ông Hồ Văn Nhường, Bí thư Chi bộ bản Eo Bù – Chút Mút (xã Lâm Thủy) đầy tự hào nói: “Thằng Nhàn là tấm gương hiếu học của cả bản đó. Xưa đói nghèo, chưa có đứa nào học hết cấp 2. Nay nhà Hồ Via tiên phong cho thằng Nhàn ra tỉnh học chữ. Mỗi cuối tuần về, hắn lại đọc sách, đọc báo, nhất là các mục về xây dựng nông thôn mới, ăn ở sạch, trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nghe. Ai cũng sướng cái bụng, bà con hiểu được tầm quan trọng của cái chữ thế là lại tự giác cho con tới trường. Nay mai, thế hệ sau thằng Nhàn, bọn trẻ ở bản này sẽ có nhiều đứa ra tỉnh, lên phố học chữ rồi!”.
Bản Eo Bù – Chút Mút có khoảng 50 hộ dân, đều là đồng bào thiểu số. Họ sống tập trung thành cụm theo triền dốc dọc con suối Rào Reng, một nhánh sông nhỏ đầu nguồn dòng Long Đại. Cũng như nhiều bản làng khác, đồng bào ở Eo Bù – Chút Mút sống chủ yếu dựa vào cây lúa rẫy, con thú trên rừng. Đường sá giao thông đi lại khó khăn. Kinh tế chậm phát triển. Việc học cái chữ của trẻ con ở đây cũng vậy, những đứa trẻ viết được vẹn lá đơn nghỉ phép chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều năm trước, công cuộc xóa mù chữ ở đây còn phải nhờ vào lực lượng bộ đội biên phòng cắm bản. “Hiện cuộc sống ngày càng đổi thay đi lên. Vì vậy, bản làng mình cũng phải tìm cách đi lên để kịp miền xuôi, dù con đường ấy dài và gian khổ!”, ông Nhường hất ngược mái tóc màu tiêu muối, khẳng định.
Với hơn 3ha trồng lúa nước, 8ha đất màu trồng ngô, sắn, cùng với sự trợ giúp của các cấp chính quyền, người dân Eo Bù – Chút Mút đã thoát được cảnh thiếu đói. Việc còn lại là vận động con em tới trường. Ông Nhường bảo: “Gian khổ lắm nhưng nói mãi cũng thông. Nhiều đứa trẻ mỗi tuần 2 lần đi bộ 20 cây số tới trường và về bản. Các ngày trong tuần các cháu ở nội trú. Đường về bản nhiều đoạn lội suối, băng rừng nhưng không còn đứa trẻ nào nghỉ học”.
Bản Eo Bù – Chút Mút chỉ có điểm trường dành cho lớp 1 và lớp 2, từ lớp 3 trở lên có khoảng hơn 40 học sinh phải ra điểm trường mãi tận trung tâm xã để học. Quãng đường đi ngót 20 cây số.
Gặp chúng tôi ở đầu con dốc vào bản, Hồ Thị Nhung, học lớp 3 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy, quần ướt sũng, chân trần lấm lem bùn đất nói: “Tuần nào con cũng theo các anh chị về nhà. Đi mỏi cả chân”. Chúng tôi hỏi có bao giờ con nghỉ học không?, Nhung hồn nhiên nói: “Con đi mỏi chân quá, cứ ước gì trường ở gần nhà mình. Con chưa nghỉ buổi học nào cả, nghỉ học ở nhà buồn lắm và hôm sau lên lớp thua các bạn nữa”.
2. Rời Lâm Thủy, chúng tôi đi dọc theo dòng Long Đại, rồi dừng chân ở Trường TH Trường Sơn (xã Trường Sơn). Cứ vào đầu giờ học mỗi ngày, công việc đầu tiên của thầy cô giáo ở trường là cùng ra bến sông Long Đại, đoạn chảy qua bản Cây Sú ngồi đợi học sinh của trường qua sông. Thầy Hoàng Văn Thế, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường tôi có 38 học sinh mỗi ngày phải 2 lượt lội sông tới trường và về nhà. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, cứ đầu giờ học và trước giờ tan trường, các giáo viên phải ra bờ sông hướng dẫn các em qua sông an toàn; đồng thời còn đề phòng nước lũ lớn bất ngờ đe dọa đến tính mạng các em”. Chúng tôi hỏi sao nhà trường và địa phương không tính cách khác để đảm bảo an toàn cho học sinh? Thầy Thế cất giọng buồn buồn: “Phụ huynh ở đây đa phần nghèo. 7 năm trước, Hội Chữ thập đỏ của tỉnh có hỗ trợ cho một con đò, dùng để đưa đón học sinh thuộc hai bản Cây Sú và Tâm Sơn qua sông đi học, nhưng được một thời gian thì đò hỏng”.
“Bà con dân bản sống theo tập quán quen rồi. Lội sông riết thành dạn chân. Trẻ con cũng vậy. Để học được cái chữ, đứa nào cũng chịu khó vậy đó…”,Trưởng bản Cây Sú Hồ Văn Ô cho biết.
Ngày thường là vậy, vào mùa mưa lũ nước dâng cao các em phải nghỉ học. Để đảm bảo kịp chương trình, nhà trường không còn cách nào khác phải tổ chức phụ đạo cho các em sau mỗi lần bão lụt. Trưởng bản Cây Sú Hồ Văn Ô cho biết: “Bà con dân bản sống theo tập quán quen rồi. Lội sông riết thành dạn chân. Trẻ con cũng vậy. Để học được cái chữ, đứa nào cũng chịu khó vậy đó. Mà không chỉ riêng bản Cây Sú đâu, các bản khác như Long Sơn, Liên Sơn…, các cháu cũng lội sông như vậy”. Đúng như lời ông Ô, khi được hỏi, lũ trẻ nơi đây đều hồn nhiên trả lời: “Lội riết thành quen ạ! Áo quần ướt thì nhiều bạn mang theo một bộ đồ nữa để trong cặp. Sang bờ bên kia thì thay quần áo ướt phơi lên bụi cây, mặc quần áo khô vào lớp. Chiều về lại xếp áo quần phơi ấy vào cặp. Còn hôm nào trời mưa, chúng em mang theo bao nilon đựng quần áo ướt. Có khi mặc luôn quần áo ướt vào lớp!”…
Chiều cuối tuần, những cô cậu học trò vội vã gọi nhau, điểm danh đủ mặt để chuẩn bị về bản làm ồn ã cả một khúc sông. Đôi mắt của các thầy cô giáo ngóng theo mỗi bước chân học trò vời vợi âu lo nhưng chan chứa niềm tin. Nhiều người bảo, đi bộ hàng chục cây số tới trường là điều quá quen thuộc với học trò vùng khó ở cái đất Quảng Bình này. Thế nhưng có ở vào hoàn cảnh của các em, của các bậc phụ huynh và thầy cô giáo xứ này, mới thấm hết khát khao cũng như nỗ lực tìm con chữ ở đây!
Bài, ảnh: Phan Lệ
 
Bà con đã ý thức việc học cái chữ
Ông Hồ Văn Nhường, Bí thư Chi bộ bản Eo Bù – Chút Mút (xã Lâm Thủy) cho biết vài năm trở lại đây, từ khi có mô hình bán trú, con em đồng bào ở bản Eo Bù – Chút Mút được hỗ trợ ngày 3 bữa cơm, có chế độ sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ nên các em có điều kiện học hành tốt hơn. Mùa mưa, học sinh thường đợi bạn đông đủ mới về nhà. Có phụ huynh cẩn thận còn đến tận trường đón con về. Ý thức học chữ để tìm tương lai tươi sáng đã được các bậc phụ huynh ở đây nâng cao rõ rệt. 
 
 

Bình luận (0)