Khởi nghiệp từ lò sấy thủ công trị giá chỉ vài triệu đồng, 3 năm sau, anh Đỗ Đình Dũng đã thay thế bằng dây chuyền chế biến mắc ca hiện đại với vốn đầu tư 4 tỷ đồng tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.
Dây chuyền gồm hệ thống thiết bị được đầu tư đồng bộ từ máy cắt vỏ, máy sấy, đóng gói, hệ thống kho lạnh… với công suất chế biến 1 tấn hạt mắc ca thành phẩm mỗi ngày. Thương hiệu mắc ca của Cty TNHH Việt Xanh do anh làm giám đốc với các dòng sản phẩm hạt nguyên vỏ tách nứt và hạt nhân sấy được bày bán trong hệ thống siêu thị cao cấp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mắc ca của Việt Xanh chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng, cung không đủ cầu.
Anh kể, lúc mới vào nghề vừa phải làm kỹ thuật viên rang sấy vừa đi khắp nơi giới thiệu sản phẩm mắc ca chế biến thủ công của mình cho khách hàng. Tuy vất vả nhưng qua đó thu thập được nhiều ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng sản phẩm. “Hơn 3 tháng ròng, chúng tôi liên tục thay đổi, điều chỉnh quy trình rang sấy sao cho hạt mắc ca thành phẩm đủ độ chín, thơm, giòn mà vẫn giữ được chất lượng và mùi hương tự nhiên của hạt”, anh Dũng cho biết.
Ban đầu anh Dũng chỉ chế biến vài chục kg mắc ca mỗi ngày bằng lò sấy thủ công. Sau đó, do đơn đặt hàng ngày càng nhiều, anh quyết định đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại với công suất 1 tấn mắc ca thành phẩm/ngày. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu mắc ca nên chỉ khai thác hết công suất trong 3 tháng thu hoạch chính vụ. Với 3 tháng trái vụ, chỉ có thể chế biến hơn 500 kg/ngày.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Cty Việt Xanh đã liên kết với khoảng 500 hộ dân đang canh tác mắc ca ở Lâm Đồng, hầu hết trồng xen mắc ca trong vườn chè hoặc cà phê. Cty Việt Xanh cung cấp cây giống ghép đầu dòng chất lượng cao; đồng thời tư vấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch rồi bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Ngoài ra anh Dũng còn thu mua mắc ca của nhiều hộ dân ở các tỉnh khác của Tây Nguyên.
Theo anh Dũng, hiện mỗi kg mắc ca nguyên liệu có giá khoảng 100.000 đồng. Với năng suất 3,5 tấn/ha/năm sẽ cho doanh thu 350 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, nông dân thu lãi 300 triệu đồng/ha/năm.
Kim Anh (TPO)
Bình luận (0)