Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tìm đâu thời hoàng kim cho ca khúc Việt?

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói hiện nay, các ca khúc hay thật sự hoàn toàn vắng bóng, chỉ trơ trọi một vài ca khúc tạm gọi là nghe được, nhưng hầu như không có cơ hội nào cho ca sĩ đột phá. Thị trường âm nhạc đang tràn ngập những ca khúc có ca từ “sốc” hoặc “hàng chợ” theo kiểu “ba đồng một mớ”…

Trước đây

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trở thành ngôi sao chỉ nhờ ca khúc Bình minh sẽ mang em điCa sĩ Đàm Vĩnh Hưng trở thành ngôi sao chỉ nhờ ca khúc Bình minh sẽ mang em điCa khúc có vị trí rất quan trọng trong việc “khai sinh” ra tên tuổi cho một ca sĩ. Nhắc đến Đêm tàn bến Ngự là người ta nhớ ngay đến danh ca Minh Trang, Đêm đông là nhớ ngay đến Tâm Vấn, Thương một người là nhớ ngay đến “tiếng hát khói sương” Thanh Thúy, nhạc Trịnh Công Sơn là nhớ tiếng hát Hồng Nhung, hát nhạc đỏ là không thể quên tiếng hát đầu đàn của nền âm nhạc cách mạng như NSND Quốc Hương, NSND Lê Dung… Nói không ngoa, ca khúc đã khiến cho bầu trời âm nhạc Việt Nam lúc ấy lấp lánh các ánh sao. Thời nhạc tiền chiến, có những ca sĩ chỉ sau vài ca khúc đã thành sao như Kim Loan với Căn nhà ngoại ô, Gõ cửa… Hay thời nhạc trẻ “đình đám”, Mỹ Tâm có được ngày hôm nay thì bước đầu do thể hiện thành công Tóc nâu môi trầm hoặc Hát với dòng sông; Đan Trường với những tình khúc của Hoài An, Lam Trường với sêri ca khúc của Bảo Chấn, Cẩm Ly với nhạc sĩ Minh Vy… Có thể nói, ca khúc là “ông bầu”, “bà bầu” mát tay nhất, vô tư nhất và ít “tốn kém” nhất để tạo nên những ngôi sao hàng đầu hiện nay như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng…

Điển hình như trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, từ một người thợ cắt tóc phấn đấu đi thi hát, đi xin hát không biết mệt mỏi sau bao năm bỗng một ngày biến thành ca sĩ ngôi sao (có catxê cao nhất hiện nay) chỉ với ca khúc “hit” Bình minh sẽ mang em đi. Nguyễn Phi Hùng thành sao khi đang tuyệt vọng nhất bằng các ca khúc Tình đơn côi và Nhớ gấp ngàn lần hơn. Thanh Thảo cũng lận đận không kém nhưng bỗng bật sáng trên thị trường nhạc Việt với ca khúc Có quên được đâu của nhạc sĩ Đức Trí. Cô ca sĩ Hà Nội Lệ Quyên trở thành “Nữ hoàng thị trường” chính là nhờ ca khúc Thôi đừng chiêm bao. Bao nhiêu năm vất vả chẳng ai biết, chỉ nhờ Còn đó chút hồng phai của Vũ Quốc Việt mà Quang Dũng trở thành ca sĩ ăn khách, bước vào hàng sao, catxê cao và bay show từ nước này qua nước khác.

Bên cạnh đó, ca khúc không chỉ đưa ca sĩ ngôi sao lên hàng diva mà còn giúp những gương mặt trẻ đến với sân khấu âm nhạc chuyên nghiệp và trở thành ca sĩ được mến mộ như Khánh Ngọc và Nhật Tinh Anh với Vầng trăng khóc… Thế nhưng, tất cả rồi cũng chỉ là dĩ vãng trong làng âm nhạc Việt Nam nếu như ngày càng thiếu vắng đội ngũ sáng tác có “chất lượng”. Hiện nay, các ca khúc đang mất dần bản sắc của mình. Các nhạc sĩ được tiếng làm ra sản phẩm chất lượng bắt đầu thể hiện sức ì sau thời gian dài hoạt động âm nhạc.

… Và bây giờ

Sau nhiều năm hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, không ít nhạc sĩ đã bắt đầu mất phong độ hoặc sáng tác chậm lại. Một số nhạc sĩ chú trọng vào chất lượng sản phẩm khiến thời gian, công sức đầu tư nhiều nên đương nhiên thành phẩm sẽ ít. Một số lại viết quá nhiều, bài này nghe giống bài kia, có bài hay nhưng cũng không ít bài dở. Theo lẽ thường tình, nếu sáng tác các ca khúc “chợ”, có giai điệu na ná nhau thì bài sau thường dở hơn bài trước.

Những cái tên “tầm cỡ” như nhạc sĩ Ngọc Đại, sau một loạt cái kiểu Dệt tầm gai thì không nghe nói đến nữa. Hay nhạc sĩ Đỗ Bảo sau thành công với hai Bức thư tình thì đến bài thứ ba lại chìm. Nguyễn Văn Chung góp sức đẩy hai giọng ca Khánh Ngọc và Nhật Tinh Anh lên hàng ca sĩ trẻ đáng chú ý với Mộng thủy tinh và Vầng trăng khóc, nhưng cũng chỉ được có vậy. Còn lại rất nhiều ca khúc của anh bị rơi vào lãng quên. Trong số những nhạc sĩ trẻ có cá tính phải kể đến Võ Hoài Phúc với một phong cách chín chắn qua một số ca khúc mà Hồ Quỳnh Hương và Hà Anh Tuấn từng trình bày. Trong khi đó, các nhạc sĩ trẻ khác biện minh cho lý do “bám sát” thị trường âm nhạc nên đã chuyển hướng sáng tác sang các ca khúc có ca từ nhảm nhí, gây sốc như Nguyễn Cô Đơn, Nguyễn Thanh Tâm, Nhất Trung…

Thị trường xuất hiện ồ ạt những ca khúc dạng “chợ” quá bình dân này nên thị trường âm nhạc cũng biến thành “chợ” là lẽ đương nhiên. Đã là “chợ” thì người ta sẽ chọn cách nghe nhanh và rẻ… Khó tìm ra những sản phẩm âm nhạc cao cấp được đầu tư. Những nhạc sĩ hướng mình đến một sản phẩm chất lượng, lưu lại trong lòng công chúng ngày một ít đi. Cứ thế, nhạc Việt tìm đâu ra ca khúc hay trong một thị trường “thiếu chất lượng”?

LÊ HUY

Bình luận (0)