Gác lại một công việc mang về nguồn thu ổn định, anh Trương Thanh Hiên (37 tuổi) ở quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) dấn thân vào việc tìm lối đi cho đặc sản quê nhà với suy nghĩ làm sao để du khách một lần thưởng thức sẽ nhắc nhớ nhiều lần về quê hương mình và trở lại…
Anh Trương Thanh Hiên với sản phẩm chả tôm ống tre thành công sau nhiều thử nghiệm
1.“Tôi từng có một công việc ổn định với mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng. Giấc mơ khởi nghiệp từ đặc sản quê hương, làm một điều gì đó để đồng hành cùng người dân quê mình thôi thúc tôi rẽ lối. Khổ có, khó có, gian nan đủ đường nhưng trên hành trình đó tôi không dừng lại. Mỗi lần thất bại là thêm một lần quyết tâm”, Trương Thanh Hiên bắt đầu câu chuyện.
Bảy năm trước, ngày nghỉ việc ở một công ty, anh Hiên không bắt tay ngay vào việc làm các loại chả. Anh dồn góp hết số tiền mình kiếm được để mở nhà hàng quy mô lớn. Câu chuyện khởi nghiệp vốn không dễ dàng. Khát vọng nhiều nhưng đi vào vận hành thì thua lỗ. Năm 2018, trong túi chỉ còn vài trăm nghìn đồng, anh Hiên bắt đầu xây dựng một trang thương mại điện tử dược phẩm đông y. Vẫn thất bại. Anh lại chuyển sang kinh doanh gỗ nguyên khối. “Buôn bán gỗ có tháng thu lãi hơn 80 triệu đồng nhưng nghĩ lại tôi thấy nghề này không mang lại cho mình nhiều ý nghĩa. Nhiều đêm thao thức, tôi nghĩ mình phải làm được một điều gì đó để vừa có thể mang về thu nhập nuôi sống gia đình, lại vừa có thể hỗ trợ bà con nông dân nghèo khó có kế mưu sinh, thu nhập chính đáng trên sản phẩm do chính công sức, mồ hôi mình đổ xuống”.
2.Năm 2017, trong một lần về quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam), anh nghe được câu chuyện buồn của người dân nuôi tôm được mùa, mất giá. Ý tưởng cùng bà con “cõng” con tôm đi xa hơn, bền hơn lóe lên. Anh Hiên bảo: “Nghĩ thế nhưng cũng mất nhiều thời gian để tìm giải pháp. Nếu con tôm đơn thuần vớt lên từ hồ rồi bán đi thì sẽ khó để lại dấu ấn. Tôi chọn cách làm chả tôm trên ống tre”.
Nói dễ nhưng làm không dễ. Anh phải bắt đầu từ một khóa học làm chả bò hơn 4 tháng. Lành nghề, anh làm chả bán ra thị trường rồi lại lấy doanh thu từ đó để mày mò làm công thức chả tôm. Anh Hiên kể: “Ban đầu tôi nghĩ chả tôm cũng dễ giống chả bò, chả bê. Nhưng khi xay thịt tôm ra mới thấy thịt tôm bở, rất khó kết dính thành chả. Cứ 2,5kg tôm thẻ chân trắng mới bóc được 1kg tôm nõn để làm chả nhưng thất bại liên tục, hàng chục triệu đồng cho việc thử nghiệm không mang lại kết quả. Một lần, tôi thử dùng chả tôm kết hợp thêm một khối lượng nhỏ bột xúc xích thì bất ngờ thành công. Công thức đã tìm ra sau hàng tháng trời trăn trở”.
Anh Hiên làm món tôm chua xuất ra thị trường nước ngoài giúp người dân nuôi tôm có đầu ra bền vững
Để làm ra chả tôm, anh Hiên về các vùng quê ở Thăng Bình, Núi Thành (Quảng Nam) rồi ra các vùng đầm phá thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế tìm mua tôm tươi, chất lượng. Anh còn tìm về các làng quê để đặt mua tre. “Sản phẩm làm ra tôi đặt tiêu chí vì sức khỏe khách hàng lên hàng đầu nên luôn cẩn thận trong chế biến, không sử dụng hàn the, nguyên liệu làm phải tươi ngon. Tôi sử dụng ống tre không chỉ để tạo ấn tượng mà từ lâu, cây tre đã rất quen thuộc với người dân Việt, người nước ngoài biết đến đất nước mình cũng rất thích cây tre nên tôi chọn tre làm chả. Tôi gửi vào đó mong muốn, khi ăn chả tôm, người tiêu dùng nhớ ngay đến đặc sản của quê mình”, anh Hiên bộc bạch.
3.Với sản phẩm thân thiện, thấp thoáng bóng dáng của sự dân dã quê xứ, sản phẩm chả tôm ống tre của anh Hiên được nhiều khách hàng ở các tỉnh miền Trung tìm mua, bên cạnh các sản phẩm khác như chả bò, chả bê, chả heo… Anh đã hoàn tất các chứng nhận sản phẩm đảm bảo chất lượng, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và hướng đến chứng nhận OCOP để mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Cocimo” (có chi mô) là thương hiệu dành cho các loại chả, trong đó có chả tôm được anh Hiên xây dựng hơn 5 năm nay. Mỗi năm, doanh thu mang về gần 3 tỷ đồng, giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên. “Có chi mô là cách mà người xứ Quảng hay nói trước mỗi khó khăn họ gặp phải, đó là động lực để vượt qua. Tôi lấy thương hiệu đó để nhắc nhở mình khó khăn đến mấy, chỉ cần nỗ lực, không bỏ cuộc là sẽ đạt được mục tiêu”, anh Hiên nói.
Anh bảo, con tôm Việt Nam đã xuất khẩu ra thế giới và luôn nằm trong top 1. Như vậy, thị trường nước ngoài đã chấp nhận con tôm Việt Nam. Đó là cơ sở để anh nuôi dưỡng ước mơ cùng nông dân “cõng” con tôm ra thế giới bằng sản phẩm chả tôm, dù đang trên đường hoàn thiện các tiêu chí và gặp nhiều khó khăn. “Quá trình kết nối, có công ty xuất nhập khẩu ngỏ lời cùng tôi đưa chả tôm ống tre của tôi qua Mỹ nhưng yêu cầu khá khắt khe, chả tôm phải thuần tôm chứ không thể có thịt, trong khi nếu không có thịt thì chả tôm không có độ kết dính. Thế là lại quay về giải bài toán ban đầu. Mấy hôm nay tôi xoay sang làm tôm chua ống tre và kỳ vọng mặt hàng này được xuất ngoại sớm, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm chả tôm đáp ứng yêu cầu các nước để đưa đặc sản ẩm thực từ con tôm Việt ra thế giới”, anh Hiên cho biết.
Hàn Giang
Bình luận (0)