Lịch sử tiếp tục là một trong hai môn có kết quả thấp nhất trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khiến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải lập tức chủ trì cuộc tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn này trong trường phổ thông.
Bộ GD-ĐT sẽ rà soát lại chương trình môn lịch sử ở bậc phổ thông, đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy. NGỌC DƯƠNG
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, cuộc tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp cho một vấn đề không mới nhưng bức thiết, đó là chất lượng và vị trí của môn lịch sử trong trường phổ thông. “Đổi mới dạy và học môn lịch sử là tất yếu nhưng đổi mới thế nào để môn học gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú”, ông Nhạ nói.
Thiếu cả động lực và sự hấp dẫn
Các giáo viên (GV) buồn khi đến tọa đàm chiều 18.7 vì điểm lịch sử lại “đội sổ” trong kỳ thi THPT quốc gia, khi đề thi được cho là “dễ thở” so với chương trình giáo dục phổ thông.
Cô Lê Thu Huyền, GV Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội, cho rằng có sự chênh lệch giữa chất lượng GV các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn lịch sử trong mỗi trường cũng chưa thỏa đáng như "sứ mệnh" của môn học. “Các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho nhiều môn, nhưng nói đến đầu tư cho môn lịch sử là lại cân nhắc”, cô Huyền nói. Theo cô, việc đổi mới chương trình chỉ là một phần, quan trọng là GV biết chọn kiến thức nào, cách nào để truyền tải đến học sinh (HS). GV lịch sử mong muốn được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi để có động lực giảng dạy.
Cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn lịch sử, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, chỉ ra rằng, hầu hết HS không còn hứng thú với lịch sử mà theo sự định hướng của gia đình để tập trung cho 3 “môn chính” là toán, văn, ngoại ngữ. “Gần đến kỳ thi, nhiều phụ huynh nói với GV dạy lịch sử là chỉ cần nhờ cô phụ đạo cho cháu làm sao đủ điểm tốt nghiệp”, cô Hương chia sẻ.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền, GV dạy lịch sử Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cũng cho rằng dù GV dạy tốt, HS có hứng thú với môn học nhưng môn lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học để “qua” môn.
Cần đưa môn lịch sử vào nhiều tổ hợp xét tuyển
GS sử học Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Chúng ta dạy sử nhưng không đối xử với nó như một môn khoa học, nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động”. Cho rằng đổi mới là cần thiết nhưng GS Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn sử vì đây là môn học cần có độ trễ, sự “đông cứng” trong chính các thầy cô giáo, chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy “không sự kiện làm sao thành sử”, chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho HS thích sử, không trói buộc HS phải nhớ, mà là để HS tự tìm tòi.
GS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đề xuất nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành… cần được xét tuyển bằng môn lịch sử. Khi lịch sử là một môn quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, vị trí của môn học sẽ nâng cao hơn.
Rà soát lại chương trình môn lịch sử ngay trong hè
Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh yêu cầu, không thể để tâm lý “môn phụ”, “môn chính” tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. “Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông. Vấn đề là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đội ngũ GV các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động, môn sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học sử trở thành nhu cầu tự thân của mỗi HS”, ông Nhạ nói.
Với các vụ, cục chức năng của Bộ, ông Nhạ chỉ đạo: “Trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế độ trễ, độ vênh giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới”. Ông Nhạ khẳng định: “Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính, môn phụ; các cấp quản lý không phân biệt môn chính – môn phụ trong chỉ đạo; GV cũng phải bước qua tâm lý này”.
Ông Nhạ cũng cho biết tại hội nghị giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc (diễn ra trong hai ngày 19 – 20.7 tại TP.HCM), kết quả những môn như lịch sử và ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua sẽ tiếp tục được mổ xẻ và bàn giải pháp. Làm sao để việc nâng chất lượng dạy và học cũng như vị thế của môn lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét.
Theo phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố, môn lịch sử có tới 399.016/569.905 bài thi điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ tới 70,01%. 395 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) ở môn sử. Mức điểm nhiều thí sinh đạt nhất ở môn lịch sử là 3,75 với tổng số 43.449/569.905 thí sinh.
Bộ GD-ĐT cho biết, thống kê cho thấy đa phần thí sinh trong số này chỉ dùng để xét tốt nghiệp. Do vậy, ngoài việc phải học thuộc lòng và ghi nhớ thì đây được xem là nguyên nhân chính khiến thí sinh không tập trung học để có điểm cao môn lịch sử.
Theo Minh Thu – Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)