Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tìm giải pháp cho sân khấu thiếu nhi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-6, HTV tổ chức chương trình tọa đàm nhằm tìm giải pháp để TP HCM xây dựng, duy trì và phát triển sân khấu dành cho khán giả thiếu nhi.

TP HCM hiện có 12 sân khấu nhưng hè năm nay, chỉ 5 sàn diễn đầu tư vở mới phục vụ khán giả thiếu nhi.

Theo những người trong cuộc, cần giảm mức giá cho thuê mặt bằng và đầu tư cho trại sáng tác về kịch bản thiếu nhi. NSND Trần Minh Ngọc cho rằng nếu xem kịch thiếu nhi góp phần tạo nền tảng cho những công dân có văn hóa, có tri thức trong tương lai thì các sân khấu xã hội hóa tại TP HCM rất cần được hỗ trợ kinh phí để làm vở dành cho thiếu nhi.

Tại trại sáng tác sân khấu TP HCM tổ chức vừa qua ở Ninh Thuận, chỉ có 1 kịch bản thiếu nhi của tác giả trẻ Kỳ Phương được chọn tham dự. Thực tế này cho thấy còn quá ít tác giả chịu viết về đề tài thiếu nhi cũng như kịch bản dành cho thiếu nhi.

"Cần sớm mở trại sáng tác kịch bản về đề tài thiếu nhi. Hiện có 12 nhóm kịch trẻ hoạt động tại TP HCM. Cần tập hợp các nhóm kịch này để tham gia những lớp tập huấn sáng tác. Tin rằng các nhóm kịch trẻ này sẽ là nơi tạo nguồn kịch bản phong phú cho sân khấu thiếu nhi" – nghệ sĩ Quốc Thảo bày tỏ.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái trăn trở hiện nay, các tác giả, tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi còn nhiều hạn chế. Vẫn còn tình trạng áp đặt cái nhìn của người lớn vào vở diễn; cách diễn của một số nghệ sĩ không có được sự ngây thơ, trong sáng, đáng yêu của trẻ nhỏ.

"TP HCM cần mở ngay các lớp tập huấn. Hội Sân khấu TP HCM đã có Trung tâm Bồi dưỡng nghệ thuật, nơi này sẽ lên giáo trình, giáo án để đào tạo đội ngũ làm nghề trẻ về kỹ năng làm kịch thiếu nhi. TP HCM có Nhà hát Kịch TP HCM, sân khấu này cần tạo điều kiện để quảng bá tác phẩm sau khi tham gia các lớp bồi dưỡng nghề" – NSƯT Ca Lê Hồng nhấn mạnh.

Một cảnh trong vở “Huyền thoại mắt thần” - chương trình “Ngày xửa, ngày xưa 35”

Một cảnh trong vở “Huyền thoại mắt thần” – chương trình “Ngày xửa, ngày xưa 35”. Ảnh: Thanh Hiệp

Sân khấu hiện nay gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản hay dành cho khán giả nhí. "Từ cái sườn kịch bản ban đầu, sự gia cố của những chuyên gia có kinh nghiệm sẽ giúp nhóm tác giả trẻ có nhiều kịch bản mới, hay, nói đúng những điều trẻ em hiện nay quan tâm" – PGS-TS Trần Yến Chi, quyền Trưởng Khoa Đào tạo – Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, nhìn nhận.

NSND Mỹ Uyên, người có kinh nghiệm trong việc dàn dựng và biểu diễn phục vụ thiếu nhi thời gian qua, cho rằng làm sân khấu cho các em không dễ. "Đó phải là vở giải trí để khán giả nhí vui vẻ, sảng khoái nhưng cũng cần mang thông điệp giáo dục thật nhẹ nhàng, đôi khi chỉ là một câu thoại, hành động đẹp. Việc chắt lọc ngôn ngữ trong sáng tác kịch thiếu nhi cũng là một vấn đề mà người lớn chúng ta cần phải lưu tâm" – chị nhận định. 

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

Bình luận (0)