Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tìm giải pháp chống ngập và quá tải trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ họp cuối năm, các đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề “nóng” của địa phương. Đó là tình trạng thiếu trường lớp khiến nhiều học sinh tiểu học không được học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT mới; ngập lụt gây khó khăn cho người dân trong công việc và sinh hoạt hàng ngày…


Quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu thiếu trường học nên nhiều học sinh tiểu học không được học 2 buổi/ngày (trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Hồng Quang, quận Liên Chiểu)

Hàng trăm công trình trường học còn… trên giấy

Ông Lê Văn Nghĩa – Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.Đà Nẵng – cho biết, thực hiện đề án “Xây dựng, nâng cấp mở rộng trường lớp giai đoạn 2021-2025”, tính đến 11-2023, có 140 công trình xây dựng trường học đã phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 2.844 tỷ đồng, có 6 công trình đang hoàn thiện hồ sơ với tổng mức đầu tư 2,6 tỷ đồng. TP đã giao cho 7 quận, huyện và 4 ban quản lý dự án thuộc TP thực hiện các dự án này. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc triển khai các dự án chưa kịp tiến độ.

Theo đó, ông Nghĩa cho rằng HĐND cần đề nghị UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các quận, huyện, các ban quản lý kịp thời giải phóng mặt bằng, đồng thời chuẩn bị công tác đầu tư. Bởi tình trạng thiếu phòng học đang diễn ra ở nhiều quận, huyện. Đặc biệt là quận Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Hiện nhiều học sinh tiểu học tại 2 quận này chưa được học 2 buổi/ngày.

“Cần thu hồi các lô đất công cho mượn để xây dựng trường học. Đồng thời ưu tiên vốn cho các công trình đã có quyết định chủ trương đầu tư, quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện đề nghị đầu tư công…”, ông Nghĩa phát biểu.

Thông tin từ bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng – cho thấy, ngày 27-11 vừa qua, lãnh đạo UBND TP đã giao Sở GD-ĐT chủ trì phối hợp với các UBND quận, huyện và các ban quản lý tiếp tục rà soát tổng hợp số liệu cụ thể những công trình đầu tư trong thời gian tới để báo cáo TP trong tháng 1-2024. Tính đến hiện tại, toàn TP có 62 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 29 công trình đang xây dựng, 54 công trình đang triển khai các bước đầu tư, 62 công trình đang hoàn thiện hồ sơ chuẩn bị đầu tư. Hiện tại các địa phương đang tiến hành song song vừa triển khai dự án, vừa dạy học, sắp xếp công việc cho phù hợp đảm bảo chất lượng dạy học. Tuy nhiên, một số quận vẫn còn gặp khó khăn trong việc bố trí đất xây dựng trường tiểu học, THCS.

“Để đảm bảo yêu cầu Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT đề nghị các chủ đầu tư, các khu đô thị có kế hoạch triển khai xây dựng trường học theo đúng dự án phê duyệt. Cam kết tiến độ triển khai, đặc biệt các dự án đã được lấp đầy 50% để đảm bảo tổ chức dạy học theo kế hoạch ban đầu mà chủ đầu tư dự án đô thị đã báo cáo TP”, bà Thuận nói.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP – khẳng định, vấn đề đầu tư trường lớp được TP rất quan tâm. TP tăng cường nguồn lực đầu tư từ 4.300 tỷ đồng lên gần 8.000 tỷ đồng.

“Việc đầu tư xây dựng trường lớp không quá khó, nhưng vấn đề về chỉ tiêu, biên chế đối với giáo viên thì không thể giải quyết một sớm, một chiều. Vì vậy, đề nghị ngành giáo dục và UBND TP quan tâm hơn vấn đề này”, ông Triết nhấn mạnh.

Không chống ngập kiểu khô chỗ này lụt chỗ khác

Liên quan đến tình trạng ngập lụt trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua, đại biểu Lê Văn Dũng – Phó Trưởng ban Đô thị HĐND TP – thông tin, các đợt mưa lớn năm 2022, 2023 toàn TP có 50 điểm ngập nước, trong đó nhiều điểm ngập nặng như: Mẹ Suốt, Yên Thế – Bắc Sơn, kênh Phần Lăng, CMT8 – Cống Quỳnh… Nguyên nhân chính là tình trạng thời tiết biến đổi cực đoan; mạng lưới thoát nước chính của TP chưa khai thác hết lợi thế tự nhiên thoát nước ra sông, ra vịnh. Các tuyến thoát nước đi lòng vòng, kéo dài, tập trung về cùng khu vực cửa xả dẫn đến xung đột, cản trở dòng chảy lẫn nhau, làm giảm hiệu quả thoát nước.

Từ thực tế này, ông Dũng đề nghị cần tận dụng địa thể, địa hình, ưu tiên nguồn vốn để xử lý hướng thoát nước phía Đông; bố trí thêm cửa xả, chia dòng nước lụt, tránh xung đột. Tiếp tục tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các dự án chống ngập nước. Trong đó cần xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai từng bước các giải pháp để giải quyết dứt điểm vấn đề ngập nước đô thị trên địa bàn TP.

Ông Phùng Phủ Phong – Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng – cho rằng, ngập lụt đô thị có nguyên nhân của việc quản lý đô thị. Một số khu vực ngập hiện chưa đầu tư được hạ tầng kỹ thuật thoát nước, tình trạng người dân xây nhà trên đất nông nghiệp… Theo kế hoạch, năm 2024, TP sẽ mua sắm trang thiết bị nâng cao khả năng xử lý ngập úng đô thị cùng nhiều biện pháp cấp bách chống ngập. Đối với “rốn lụt” Mẹ Suốt, UBND TP đã giao cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất cống thoát nước trên đường Phùng Hưng đoạn phường Hòa Minh ra vịnh Đà Nẵng nhằm giảm tải cho kênh Phú Lộc, hoàn thành thẩm định hồ sơ trong quý I-2024. UBND TP cũng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát dòng chảy, đánh giá các bất cập để xử lý phù hợp trong tháng 1-2024.

Ông Triết cho rằng, người dân bức xúc việc ngập lụt đô thị là chính đáng, TP phải tập trung các giải pháp để khắc phục. Đề nghị ngành xây dựng cũng như các ngành phải làm đồng bộ từ đầu tư, kinh phí mua sắm đến quy hoạch, kỹ thuật. Ưu tiên nguồn lực giải quyết dứt điểm từng khu bị ngập nặng, không đầu tư dàn trải – được chỗ này chỗ khác lại ngập nặng.

Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)