Đại sứ quán Hà Lan, Tổng lãnh sự quán Hà Lan và Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) vừa phối hợp Trường ĐH Văn Lang tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “Ô nhiễm nguồn nước tại khu công nghiệp và các giải pháp”.
PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu (Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang) trình bày ý kiến tại tọa đàm
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã thảo luận những vấn đề liên quan đến tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước trong công nghiệp; từ đó đóng góp vào việc bảo vệ nguồn nước, góp phần xây dựng sửa đổi Luật Tài nguyên nước trong 2 năm tới của Chính phủ Việt Nam.
Các nội dung của tọa đàm được xây dựng từ kết quả dự án nghiên cứu về “Phát triển công nghiệp bền vững tại các đồng bằng của Việt Nam: Tái sử dụng, tái chế và đa dạng hóa nguồn nước công nghiệp” do ĐH Wageningen (Hà Lan) và Trường ĐH Văn Lang đồng chủ trì thực hiện. Trình bày kết quả chính từ dự án này, ThS. Lê Minh Trường (Khoa Môi trường, Trường ĐH Văn Lang) đề xuất quy trình tái sử dụng nguồn nước thải bằng công nghệ đất ngập nước và trao đổi ion nhằm nâng cao chất lượng nước tái sử dụng trong các hoạt động của khu công nghiệp. Công nghệ tái sử dụng nước thải đã qua xử lý nhằm loại bỏ các chất ô nhiễm còn lại bao gồm chất hữu cơ (biểu thị thông qua chỉ số COD), các chất dinh dưỡng (biểu thị thông qua chỉ số ammonia, nitrate và sulfate) và một số kim loại nặng.
Được biết, hiện Khoa Môi trường Trường ĐH Văn Lang đang đào tạo 3 ngành: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Quản trị môi trường doanh nghiệp, Thiết kế xanh. Trong đó, ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo khu vực Đông Nam Á (AUN-QA). Trường có gần 25 năm hợp tác với ĐH Wageningen (Hà Lan) trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành môi trường và đến nay vẫn duy trì hợp tác thông qua các dự án về công nghệ xử lý – quản lý nguồn nước, chất thải rắn, biến đổi khí hậu…
Việt Ngân
Bình luận (0)