Trong 2 ngày 30-6 và 1-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6 về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2016, cũng như đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại điểm cầu TP.HCM |
Phát biểu khai mạc (chiều 30-6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: “Nửa chặng đường năm 2016 sắp qua, tình hình kinh tế xã hội của cả nước có nhiều biến chuyển tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,7%, nguyên nhân do đâu và 6 tháng cuối năm phải làm như thế nào mới đạt được 6,7% như nghị quyết Quốc hội đã thông qua?”.
Các chỉ số đều giảm
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12-2015; bình quân 6 tháng tăng 1,72%. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước… Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt gần 477.000 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%). Tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt gần 563.000 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán năm… Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tốc độ GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 5,52%, thấp hơn so với mức tăng trưởng cùng kỳ là 6,32%.
Các lĩnh vực lao động, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều khó khăn thách thức, đó là: nền kinh tế phục hồi chậm; tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng âm và để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau. Công nghiệp khai khoáng giảm sút mạnh. Lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tính đến ngày 28-6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 56 văn bản quy định chi tiết luật, đạt 32,54%. Về việc xây dựng, ban hành nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, tính đến ngày 28-6, các bộ, cơ quan ngang bộ đã trình Chính phủ 49/50 văn bản, còn 1 văn bản do Bộ Quốc phòng chủ trì, đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Từ nay đến cuối năm 2016, các bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành 114 văn bản (25 nghị định, 3 quyết định, 74 thông tư, 12 thông tư liên tịch) quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7; xây dựng, ban hành hoặc trình ban hành 81 văn bản quy định chi tiết thi hành 12 luật và các nội dung được luật giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực sau ngày 1-7. |
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đặc biệt lưu ý tới vấn đề phòng chống ô nhiễm bảo vệ môi trường. Theo ông, việc bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống ô nhiễm còn nhiều yếu kém. Tình trạng xả thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt xảy ra khá phổ biến trong thời gian dài nhưng chậm được khắc phục. Tai nạn giao thông 6 tháng lại tăng cao cả về số người bị thương và số người chết, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thương vong lớn liên tục xảy ra. Thiệt hại về rừng, do cháy và chặt phá còn cao. Đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng ô nhiễm môi trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…
9 giải pháp nhằm đạt được NQ của Quốc hội
Nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng 6,7% theo NQ của Quốc hội, ông Dũng cho biết: Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp để các bộ, ngành và các địa phương triển khai. Đó là tiếp tục tổ chức thực hiện tốt NQ số 01/NQ-CP ngày 7-1-2016, các bộ, ngành TW và địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ; tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách tài khóa; đẩy mạnh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng; thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; thực hiện các giải pháp, chính sách về ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền…
Ông Dũng nhấn mạnh: Trách nhiệm của người đứng đầu là quan trọng nhất. Bộ trưởng và các bộ quản lý chuyên ngành cần phải vào cuộc, có sự chỉ đạo sát sao đối với ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Thành lập các đường dây nóng và các đoàn công tác theo từng chuyên đề cụ thể, làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và các ách tắc hiện nay.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
TP.HCM – Tổng thu ngân sách đạt 143.965 tỷ đồng
Báo cáo với Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) ước đạt gần 477.000 tỷ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Các lĩnh vực quan trọng như dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tổng thu ngân sách của TP trong 6 tháng đầu năm đạt 143.965 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 48,26% dự toán năm.
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, TP.HCM tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, giảm dần tỉ trọng hàng thô và sơ chế; phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng vùng nguyên liệu chế biến nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Ngoài ra, TP sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại với các phương tiện thanh toán tiện ích. TP cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý tốt thị trường vàng và thị trường ngoại hối; giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc về thủ tục, chính sách, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế xuất nhập khẩu. |
Bình luận (0)