- 1 Tìm giải pháp huy động nguồn lực tài chính trong kỷ nguyên mới
Sáng 28-3, tại TP.HCM, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”.
Hội nghị góp phần truyền tải thông điệp của Đảng, Chính phủ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đây cũng là cơ hội kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn, quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài, qua đó, tìm kiếm cơ hội và mở rộng hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên về cơ sở hạ tầng, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2024 tuy đạt nhiều kết quả ấn tượng nhưng hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đến cuối 2024 chỉ chiếm 1,2% vốn hóa thị trường; tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ tương đương 3,4% tổng tài sản của tổ chức tín dụng. Số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,5%.
Với FDI, tuy thu hút mạnh mẽ trong thời gian qua nhưng vẫn tồn tại nhiều vướng mắc về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục ngoại hối… Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến tăng trưởng GDP từ 8% trở lên từ năm 2025, việc huy động nguồn vốn qua quỹ và FDI trở thành động lực quan trọng.
Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, cần có các chính sách huy động nguồn lực hiệu quả từ cả khu vực tư nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó, việc phát triển hệ sinh thái quỹ đầu tư đóng vai trò trung gian quan trọng để dẫn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng chiến lược.
Ông cũng kêu gọi cộng đồng tài chính quốc tế đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực cải thiện chất lượng dòng vốn, thúc đẩy phát triển bền vững.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, ngành quỹ Việt Nam tăng trưởng trung bình 20%/năm trong một thập kỷ qua, nhưng quy mô vẫn khiêm tốn, chỉ đạt hơn 750.000 tỷ đồng (gần 6% GDP).
Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số, khiến thị trường dễ bị tâm lý ngắn hạn chi phối. Trong khi đó, để đạt tăng trưởng GDP 8 – 10% từ 2025, Việt Nam cần tăng mạnh khả năng huy động vốn trung – dài hạn, trong đó quỹ đầu tư là kênh then chốt.
Bà Phương đề xuất nhiều giải pháp, đó là đào tạo nhà đầu tư cá nhân chuyển sang đầu tư chuyên nghiệp qua quỹ; phát triển quỹ chỉ số, quỹ hạ tầng, quỹ tiền tệ; đa dạng hóa chỉ số chứng khoán, hàng hóa niêm yết; tăng hạn mức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 20%; thúc đẩy phát hành chứng chỉ lưu ký quốc tế. Đồng thời, phối hợp cùng Bộ Tài chính chuẩn bị điều kiện nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi để thu hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu.
Ông Don Lam – Tổng Giám đốc VinaCapital, cho rằng, ngành quản lý quỹ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Tổng tài sản quản lý chỉ bằng một phần nhỏ so với Thái Lan, Indonesia. Tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán chỉ 7%, chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, khiến thị trường biến động mạnh và thiếu ổn định.
Để thay đổi, ông đề xuất Việt Nam cần xây dựng quỹ đầu tư hạ tầng, bất động sản và quỹ đầu tư quốc gia; đồng thời đẩy mạnh giáo dục tài chính để người dân hình thành thói quen đầu tư dài hạn.
Hồ Trinh
Bình luận (0)