Sự kiện giáo dụcTin tức

Tìm giải pháp ngăn học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh còn gặp hoàn cảnh khó khăn thì việc bỏ học sẽ còn nhiều

TP.HCM được xem là một trong những tỉnh, thành của cả nước đi đầu trong việc chăm lo phát triển giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay tại một số quận vẫn còn nhiều học sinh (HS) lưu ban, bỏ học. Trước tình hình đó, ngày 18-1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Giảm lưu ban, chống bỏ học” nhằm tìm ra những biện pháp khắc phục hiện trạng này.
Những con số lưu ý
Quận 8 là một trong những quận nghèo và tình hình an ninh khá phức tạp ở TP.HCM. Đây cũng là nơi có nhiều dân nhập cư và tình trạng HS lưu ban, bỏ học ở quận 8 đang là một vấn đề nan giải khó giải quyết. Ông Võ Ngọc Thành, Phó phòng GD-ĐT quận 8 cho biết: “Năm học vừa qua, số HS lưu ban bậc tiểu học chiếm 0,87%, bậc THCS chiếm 1,93%; số HS bỏ học bậc tiểu học chiếm 0,06%, bậc THCS chiếm 1,54%. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do bệnh thành tích nên các trường buộc phải cho HS lưu ban để bảo đảm tỷ lệ tốt nghiệp, mặt khác do gia đình và HS chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học tập….
Năm học 2008-2009, Trường Tiểu học Tuy Lý Vương, quận 8 có 1,17% HS lưu ban trong tổng số gần 1.800 em. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng HS bỏ học nhiều là “Do hiệu quả dạy ở các trường chưa cao, phương pháp dạy học chưa thu hút và tạo hứng thú cho HS; giáo viên cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, lại vừa tham gia học tập nâng cao trình độ, không có thời gian đầu tư cho tiết dạy… Chất lượng dạy học kém cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS lưu ban, bỏ học”, cô Trà Thị Kiều Loan, Hiệu trưởng Trường TH Tuy Lý Vương cho biết.
Nhà trường có trách nhiệm lớn đối với tình trạng HS lưu ban, bỏ học, bên cạnh đó trách nhiệm này còn thuộc về ý thức bản thân HS và phụ huynh. Hiện nay, nhiều phụ huynh chưa có ý thức cao về việc chăm lo học tập cho con cái, vì vậy dẫn đến việc lơ là chuyện học tập của con ở trường. Ông Hứa Vĩnh Phán, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Danh Ninh, quận 8 cho rằng: “Ý thức của một số phụ huynh HS về tầm quan trọng của giáo dục còn yếu, họ khoán trắng việc giáo dục con cái của mình cho nhà trường, không tham gia các cuộc họp phụ huynh và khi con có “vấn đề” họ bỏ mặc cho nhà trường tự giải quyết. Ngoài ra, khó khăn về kinh tế và những bất hòa, bi kịch xảy ra trong các gia đình như cha mẹ ly thân, ly dị… cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong học tập của các em”.
Ngoài hai trách nhiệm chính từ phía nhà trường và gia đình, việc HS lưu ban bỏ học cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng, môi trường xung quanh HS còn nhiều phức tạp, những tiêu cực xã hội… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của các em. Việc xã hội hóa giáo dục vẫn còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu giáo dục cho đại bộ phận HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Việc chăm lo giáo dục của các cấp chính quyền tuy nhiều nhưng chưa giải quyết được những vấn đề khó khăn của nhà trường như: huy động trẻ đến lớp, không để HS bỏ học…
Nhà trường vai trò then chốt chống HS bỏ học

Học sinh Trường Tiểu học Âu Dương Lân, Q.8 trong giờ học. Ảnh: T.T.Q

Từ việc nhìn nhận thực trạng, phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến việc HS lưu ban, bỏ học, các đại biểu đã thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực để ngăn chặn tình trạng này.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Chúng ta không nên đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường bằng tỷ lệ HS thi đỗ tốt nghiệp mà cần phải đánh giá theo hiệu suất đào tạo. Có nghĩa là cần thông qua các số liệu được báo cáo từ số lượng đầu vào và đầu ra của HS, xem xét có bao nhiêu HS lưu ban, bỏ học để làm một trong những tiêu chuẩn đánh giá chất lượng”. Và điều cốt lõi để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Sơn thì “chúng ta không nên khoán trắng cho nhà trường mà cần kết hợp đồng bộ cả 3 yếu tố, đó là nhà trường, gia đình và xã hội”.
Theo cô Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Đông: “Đối với những HS yếu không theo kịp chương trình chán nản và muốn bỏ học, nhà trường cần phải thống nhất quan điểm với gia đình, không cho con nghỉ học, kiểm tra chặt chẽ việc học của con mình. Nhà trường nên tổ chức các lớp học phụ đạo và nhờ các HS khá giỏi kèm cặp cho HS yếu kém nhằm giúp các em lấy lại những kiến thức cơ bản nhất”. Đối với đội ngũ giáo viên, việc HS bỏ học phải xem là trách nhiệm hàng đầu. Cô Ngô Thị Thanh Nhuần, Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng chia sẻ: “Giáo viên nên có mối quan hệ chặt chẽ với HS, tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng của HS. Giáo viên không chỉ có nhiệm vụ là giảng dạy mà cần phải theo dõi những HS với những hoàn cảnh cụ thể để có kế hoạch phù hợp”. Hiệu trưởng là người đứng đầu trong một trường học, vì vậy ngoài giáo viên tích cực hỗ trợ từng em mà mình đứng lớp giảng dạy thì hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong việc tăng công tác lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp cụ thể, có kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm hàng tháng trong công tác giảm HS lưu ban, bỏ học.
Ngoài những biện pháp này, nhiều đại biểu cho rằng, để lôi kéo các em có hứng thú khi học tập ở trường cần có những giải pháp xây dựng bầu không khí tâm lý tập thể sinh động, vui tươi thông qua việc tổ chức các hoạt động phong trào, tạo môi trường học tập thân thiện, gắn bó cho các em.
Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)