Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đã lên kế hoạch cho nhân công nghỉ việc với quy mô lớn, có doanh nghiệp lên đến hàng ngàn người.
Nhiều doanh nghiệp cầm cự giữ chân người lao động bằng biện pháp giảm việc, giảm giờ làm và đương nhiên là người lao động cũng giảm thu nhập. Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm những giải pháp an sinh bền vững hơn cho người lao động. Bởi, điều mong mỏi của người lao động không phải nằm ở những gói hỗ trợ an sinh hay những khoản tiền trợ cấp trong những lúc ngặt nghèo mà là một công việc ổn định có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình.
Còn nhớ cách đây hơn một năm, TPHCM và các tỉnh thành lân cận bước vào tiến trình phục hồi sau đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư. Trong bối cảnh hàng triệu người lao động trở về quê như một cuộc hồi hương hồi sức và quê nhà trở thành nơi an trú trong lúc gian nan, đã gây lên nỗi băn khoăn về nguồn nhân lực đáp ứng cho mục tiêu nhanh chóng phục hồi sau đại dịch. Các cơ quan phụ trách vấn đề tiền lương, chính sách việc làm cũng đã bàn thảo về câu chuyện tăng thời gian làm việc tối đa cho người lao động như là giải pháp góp phần cùng doanh nghiệp giải quyết tình trạng khan hiếm lao động. Có những thời điểm các doanh nghiệp phục hồi gần như toàn bộ dây chuyền sản xuất và đã xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ. Bởi nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng các tỉnh thành ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam không thể thiếu vắng người di cư dù trong thời gian ngắn hạn.
Thực ra, các nhà hoạch định chính sách đã thấy được điểm yếu của mô hình sản xuất gia công theo chiều hướng thâm dụng lao động, nhưng việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu lao động – việc làm đều phải tính toán một cách thận trọng, vì bất kỳ thay đổi nào cũng tạo ra những tác động đáng kể đến an sinh xã hội của người lao động, nhất là những người yếu thế.
Các tín hiệu phục hồi kinh tế ngay sau đại dịch được UBND TPHCM công bố gần đây cho thấy nền kinh tế TPHCM nhiều tín hiệu khởi sắc, đặc biệt bên khối các ngành sản xuất theo các đơn hàng của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, trong một tình trạng bấp bênh của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch và xung đột vũ trang trên thế giới, những dự báo về nguy cơ lạm pháp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng giảm đã khiến cho chuỗi sản xuất toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất gia công.
Dự đoán, những tháng cuối năm 2022 sẽ thật nặng nề cho biết bao người lao động và các cơ quan chính quyền cũng phải dự phóng cho những gói hỗ trợ an sinh xã hội cho những người yếu thế như thành phố từng làm trong những tháng ngày chống dịch. Vì thế, chúng ta không thể mãi duy trì chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp theo thể thức cũ mà cần mạnh dạn chuyển dịch phân khúc gia công sang những phân khúc có giá trị cao hơn. Sự chuyển dịch về mô hình phát triển chắc chắn sẽ có nhiều thách thức, nhưng chúng ta hoàn toàn có những giải pháp để thành thị và nông thôn là một dấu gạch nối tương trợ hai đầu trong mô hình phát triển kinh tế cân bằng, hài hòa và cũng kể từ đó con đường hồi hương của người lao động, nhất là những người lao động “chưa đến tuổi hưu mà đã hết tuổi nghề” trở về quê ít gian truân hơn.
PV (theo SGGP)
Bình luận (0)