Chiều 11-5-2023, Ủy ban MTTQVN TP.Cần Thơ cùng Ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQVN, Trường Đại học Cần Thơ, Viện FNF tại Việt Nam và Vụ Công tác Dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc) phối hợp tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế – xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu chỉ đạo hội thảo
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đến dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có hơn 100 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL, lãnh đạo các ban, ngành có liên quan; ủy ban MTTQVN các tỉnh, thành và ban giám hiệu cùng các nhà khoa học của các viện, trường đại học… trong khu vực.
Phát biểu tại hội thảo (HT), Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.Cần Thơ Nguyễn Trung Nhân cho biết: ĐBSCL có dân số hơn 17 triệu người, trong đó có 1,310 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người DTTS cả nước; sinh sống tập trung chủ yếu tại 9 tỉnh, thành. Một số tỉnh có tỷ lệ cao như: Sóc Trăng 35,41%, Trà Vinh 32,24%… Trong vùng có 43 dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, chủ yếu là dân tộc Khmer, dân tộc Hoa, dân tộc Chăm, còn lại là các dân tộc khác… Trong các năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và tổ chức chính trị – xã hội các địa phương thực hiện nhiều đề án, chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS…
Quang cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, dù KT-XH vùng DTTS có nhiều chuyển biến tích cực nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn nhiều khó khăn cần được quan tâm và đạo điều kiện để đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống tốt hơn.
Tại hội thảo, các đại biểu đi sâu phân tích về thực trạng KT-XH vùng DTTS khu vực ĐBSCL; giải pháp nhằm phát huy giá trị văn hóa dân tộc Khmer trong phát triển KT-XH vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045… Riêng với chính sách đào tạo cử tuyển cho bà con DTTS/ĐBSCL, thời gian qua, trường ĐH Cần Thơ và ĐH Y Dược Cần Thơ đã triển khai các chương trình đào tạo hệ cử tuyển nhằm cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho vùng DTTS. Bác sĩ CK II Lại Văn Nông – Giám đốc Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: Trường đã và đang đào tạo 833 sinh viên DTTS hệ cử tuyển cho vùng ĐBSCL và các tỉnh: Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Quá trình học tập, sinh viên DTTS được nhà trường quan tâm từ vật chất đến tinh thần. Khen thưởng, động viên kịp thời những sinh viên (SV) học tập tốt; cấp học bổng những em có hoàn cảnh khó khăn. Trường tổ chức họp mặt SV/ DTTS với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban Dân tộc các tỉnh và Lãnh đạo nhà trường, để giải đáp tâm tư nguyện vọng, lằng nghe đề xuất kiến nghị của SV nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và giải quyết những khó khăn, giúp SV an tâm học tập. Trường thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo hệ cử tuyển, như: Nhà trường phân SV DTTS tham gia sinh hoạt và học tập rãi đều trong các lớp trúng tuyển chính qui nhằm giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm học tập và rèn luyện. Bác sĩ CK II Lại Văn Nông nhấn mạnh: “Với chủ trương phải đảm bảo chất lượng trong quá trình học tập và chất lượng đầu ra, việc xét và đánh giá kết quả học tập theo đúng qui chế, nếu không đạt yêu cầu phải học 1 năm, 2 năm, 3 năm; nếu không đủ điểm tích lũy trong năm học thì cho ngưng tiến độ, buộc thôi học, không công nhận tốt nghiệp theo qui chế, hoặc chuyển học trình độ trung cấp”.
Ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, chia sẻ công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các DTTS của TP.Cần Thơ
Tại HT, để phát triển KT-XH bền vững cho đồng bào DTTS, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp như: Giải pháp giảm nghèo trên phương diện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; giảm nghèo thông qua du lịch trên phương diện sinh kế và văn hóa xã hội vùng DTTS… Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu đề cập “Vai trò của các cấp hội trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025". Tỉnh Đồng Tháp đề cập “Giải pháp, chính sách thúc đẩy đồng bào dân tộc Khmer phát huy vai trò của mặt trận tổ quốc trong việc tham gia phát triển KT-XH, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh 8 xã biên giới, giai đoạn 2021 – 2025”. Giải pháp, chính sách thúc đẩy đồng bào dân tộc Khmer phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của tỉnh Kiên Giang; Phát huy vai trò của sư sãi trong đời sống xã hội của người Khmer TP.Cần Thơ của Thượng tọa Lý Hùng. Thực trạng và giải pháp việc phối hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng của tỉnh Sóc Trăng…
Lãnh đạo Trung ương MTTQVN trao đổi với các đại biểu
Phát biểu tại HT, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định: Hội thảo rất có ý nghĩa đối với đồng bào DTTS vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội để tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và thực hiện vai trò của hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội đối với đồng bào DTTS. Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị UB/MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tập hợp, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, và các ý kiến đóng góp tại hội thảo, gởi lãnh đạo trung ương và các tỉnh, thành để Đảng, Nhà nước ban hành đường lối, chính sách về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS; và thực hiện ngay các giải pháp trong phạm vi của các địa phương; đồng thời phối hợp các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của bà con. Phối hợp các cơ quan chuyên môn khen thưởng kịp thời và phát huy vai trò của những cá nhân tiêu biểu trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này, cũng như những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bà con… Đặc biệt phải tăng cường chính sách đào tạo nhân lực cho đồng bào DTTS; đây là giải pháp căn cơ vì không có nguồn nhân lực thì rất khó để thực hiện các giải pháp phát triển KT-XH bền vững.
Đan Phượng
Bình luận (0)