Ngày 9-9-2023, tại TP.Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị (HN) “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản trong bối cảnh mới”.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo tại hội nghị
Theo Bộ NN- PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2023, nhóm thuỷ sản xuất khẩu đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Trần Đình Lân – Cục trưởng Cục thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết thêm: So với cùng kỳ năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 715 nghìn ha, tăng 0,9ha so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 657,5 nghìn tấn, tăng 3,9%. Giá thu mua tôm nguyên liệu tùy theo kích cỡ và loại tôm thu hoạch tại ao, giá tôm chân trắng dao động từ 76.000-115.000 đồng/kg, cỡ tôm 100-40 con/kg. Trong khi đó, tính riêng chi phí thức ăn cho tôm giao động khoảng 67.000-82.000 đồng/kg, chưa kể các chi phí khác. Với giá bán tôm nguyên liệu như hiện nay, người nuôi tôm chưa có lãi, thậm chí lỗ.
Quang cảnh hội nghị
Riêng diện tích nuôi cá tra ước đạt 3.860ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 1,079 triệu tấn. Giá thu mua cá tra nguyên liệu loại 1 trung bình 8 tháng đầu năm 2023 dao động ở mức 27.900 – 28.000, thấp hơn khoảng 1.500-2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Ở mức này, người nuôi hiện không có lãi.
Theo ông Trần Đình Lân: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: Về tôm giống: Tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên; trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Một số địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ chung về nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, gây khó khăn lớn cho quá trình quản lý. Đặc biệt, giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực (cụ thể tôm chân trắng loại 50 con/kg thì Việt Nam nuôi tối thiểu cỡ 4 USD, khoảng 90.000 đồng. So với Ấn Độ thì giá của Việt Nam đắt hơn 1 USD, khoảng 22.000 đồng, còn so với Ecuado thì đắt hơn khoảng 1,5USD, khoảng 33.000 đồng). Nguyên nhân là do chi phí thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, mua chịu vật tư đầu vào, chịu lãi suất cao và không có cơ hội lựa chọn sản phẩm có chất lượng, lệ thuộc vào đại lý ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của người nuôi tôm (So sánh trên cùng 1 diện tích ao nuôi, cùng một kích cỡ tôm thu hoạch và cùng sử dụng thức ăn, thuốc,… như nhau thì chi phí đầu vào của người nông dân cao hơn khi qua đại lý khoảng 29.500 đồng/kg và 1 vụ nuôi với sản lượng 1.000kg thì người nông dân mất phần lợi nhuận là 29.500.000 đồng)…
Ông Trần Đình Lân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), nêu những khó khăn, hạn chế của ngành nuôi trồng thuỷ sản
Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo: Hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, hệ thống cấp thoát nước không đảm bảo, các vùng nuôi thâm canh không có ao xử lý nước nên dễ xảy ra dịch bệnh.
Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy sản…
Trước những cơ hội và thách thức trong tình hình mới, để mục tiêu của ngành thủy sản cuối năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD, giải pháp xuất khẩu là trọng tâm, đồng thời phải tăng tiêu thụ nội địa, giảm thiểu tồn kho, tạo thuận lợi cho kế hoạch sản xuất năm 2024.
Trong các ý kiến đóng góp, lãnh đạo Chi Cục nuôi trồng thủy sản một số tỉnh trọng điểm tôm và cá tra vùng ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Bạc Liêu,… kiến nghị: Vấn đề giảm chi phí sản xuất, phải cụ thể ai làm, đồng thời phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn, giữa trên và dưới, giữa nông dân và doanh nghiệp. Qua kiểm soát giống, phát hiện giống chưa đạt chất lượng còn nhiều; Mẫu xét nghiệm tôm còn thiếu tính thuyết phục;…
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: “Trong tình hình mới cần tính lại vấn đề sản xuất của toàn chuỗi từ thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học; khó khăn được giảm tải, lợi ích chia đều mới bền vững. Sức cạnh tranh nằm ở giá thành, phải giảm giá thành, nếu mãi đường mòn, vẫn cách làm cũ trong bối cảnh mới không nâng cao được sức cạnh tranh sẽ thụt lùi, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu sẽ khó đạt được nếu thủy sản không hoàn thành kế hoạch”.
Thu hoạch tôm ở ĐBSCL
Thứ trưởng yêu cầu ngành thủy sản phải xây dựng cơ cấu giá thành chuẩn cho ngành, với các tiêu chuẩn cụ thể về giống, thức ăn, môi trường, thú y… để áp dụng đối với từng phương thức nuôi. Riêng với giống thuỷ sản, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã đầu tư nhiều chương trình đầu tư công, nhưng hiệu quả triển khai rất chậm. Thứ trưởng đặt vấn đề, vì sao người nuôi không mua giống ở cơ sở sản xuất cá tra 3 cấp mà mua bên ngoài, chứng tỏ ở ngoài chất lượng và giá cả tốt hơn. Thực trạng này đòi hỏi các địa phương và đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN-PTNT phải “nghĩ thực, nói thực và làm thực”. Giống phải đảm bảo có tỷ lệ nuôi sống cao, tăng trưởng tốt, tiêu tốn thức ăn thấp để tạo sức cạnh tranh.
“Bối cảnh thị trường xuất khẩu ngành thủy sản đang dần phục hồi, nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong các tháng cuối năm (dịp Noel, Tết dương lịch…). Để 4 tháng còn lại của năm xuất khẩu thêm 4 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm 2023 đạt 10 tỉ USD, đòi hỏi ngành thủy sản, từ khâu quản lý nuôi trồng đến chế biến phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Đặc biệt, các chuỗi ngành hàng thủy sản phải sâu sát, triệt để. Qua đó tạo cơ hội mới cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ở cả thị trường xuất khẩu và nhu cầu tiêu thụ trong nước.”- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Đan Phượng
Bình luận (0)