Sáng 14-5, Thành ủy TP.HCM phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp” nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Luật Đất đai 2024.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội của khu vực và của cả nước. Diện tích tự nhiên của TP là 2.095 km2; chiếm 0,63% diện tích của cả nước và dân số tính cả thường trú và tạm trú khoảng gần 14 triệu người, TP có mật độ dân số cao nhất cả nước. Do đó, công tác quản lý và sử dụng đất đai luôn được Đảng bộ và chính quyền TP luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục.
Thành ủy TP.HCM đã ban hành Chương trình hành động số 38-CTrHĐ/TU để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; UBND TP triển khai thực hiện Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”. TP đã tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai; đổi mới công tác tài chính đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất… Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan, lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, TP luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện của Trung ương, sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ban, ngành và các tỉnh, thành bạn.
Với ý nghĩa đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mong hội thảo sẽ làm sáng rõ hơn nữa cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý, sử dụng đất; đặc biệt, những kết quả nghiên cứu tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của các bộ ngành, địa phương, nhà khoa học, các chuyên gia, sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, về nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển TP nói riêng; góp phần xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng góp ngày càng lớn cho đất nước”.
Quang cảnh hội thảo
GS. TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho biết, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn… Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; góp phần giải quyết những vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất. Nguồn lực đất đai ngày càng được quản lý, sử dụng phù hợp với phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần to lớn vào phát triển đất nước nói chung và từng địa phương trong đó có TP.HCM nói riêng.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển đất nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng những năm qua cho thấy, ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp; thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; đất đai vẫn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước…
Do đó, hội thảo lần này nhằm đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý đất đai ở TP.HCM trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM; chỉ rõ thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và đề xuất kiến nghị giải pháp hoàn thiện.
Hội thảo là cơ hội để các đại biểu, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận, đánh giá khách quan những thành tựu, hạn chế, rút ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý đất đai; Kiến nghị, đề xuất các phương hướng, giải pháp, góp phần đưa ra các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai và quản lý đất đai phù hợp phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới”, ông nói.
N.Trinh
Bình luận (0)