Ngày 29-8-2023, tại TP.Cần Thơ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận”.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chỉ đạo tại hội thảo
Tham dự có đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh, các hiệp hội và các văn phòng đại diện của Korea, IM Japan, Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka … tại Việt Nam, cùng lãnh đạo sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phía Nam.
Theo báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước, những năm gần đây số lượng người lao động Việt Nam (NLĐVN) đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng. Trong đó việc thực hiện các chương trình như: EPS của Chính phủ Hàn Quốc, Chương trình IM Japan, Chương trình Osaka tại Nhật Bản; Chương trình Đài Loan; Chương trình Hand in Hand tại Cộng hòa liên bang Đức… do Trung tâm lao động ngoài nước (TTLĐNN) thực hiện ngày càng hiệu quả.
Quang cảnh hội thảo
Theo ước tính, hiện có khoảng 580.000 NLĐVN làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường: Nhật Bản (khoảng 250.000 người), Đài Loan (khoảng 230.000 người), Hàn Quốc (khoảng 50.000 người), còn lại ở các thị trường châu Âu, Trung Đông, Malaysia… Lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc bảo đảm, mức lương khoảng 1.200 – 1.500 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800 – 1.200 USD tại Đài Loan và các nước châu Âu; 600 – 1.000 USD/tháng đối với NLĐ có nghề và 400 – 600 USD đối với LĐ phổ thông ở Trung Đông, Malaysia.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đánh giá: "Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống NLĐ và gia đình. Ngoài việc được nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm làm việc và trình độ ngoại ngữ; lực lượng lao động khi về nước còn trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế".
Bà Kim YoonHye – Tham tán Lao động Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết: Hàn Quốc đang có nhu cầu cao đối với NLĐ/VN
Tuy nhiên, ở khu vực phía Nam, chương trình của TTLĐNN còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu. Số lượng NLĐ của 23 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ chiếm 10% số lượng lao động đưa đi của trung tâm. Cụ thể: Số LĐ các tính phía Nam xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc là 11.918/123.395 người trên cả nước, chiếm tỷ lệ 9,6%; thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan xuất cảnh từ năm 2017 đến nay có 335/3.690 người, tỷ lệ 9,6%; một số tỉnh như Đồng Tháp, Long An tỷ lệ NLĐ tham gia các chương trình do TTLĐNN thực hiện chỉ chiếm 3%-4%. Việc kết nối, giới thiệu việc làm cho NLĐ về nước chỉ mới thực hiện thông qua những hoạt động riêng lẻ, không thường xuyên và chưa thực sự hiệu quả.
Phân tích nguyên nhân, theo các đại biểu: Rào cản lớn nhất là TTLĐNN chưa có cơ sở đào tạo ngoại ngữ (tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản…) và giáo dục định hướng tại phía Nam nên NLĐ phải ra Hà Nội thi tuyển và học định hướng, việc phải đi lại nhiều lần để thi, học định hướng làm tăng chi phí dẫn đến NLĐ e ngại khi tham gia.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ Trần Thị Xuân Mai nêu kiến nghị
Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, cho biết thêm: “Khi tham gia Chương trình EPS, IM Japan, NLĐ phải qua nhiều vòng thi, tạo tâm lý lo lắng: Không biết mình có đạt không? Thời gian chờ đợi bao lâu? Trong khi NLĐ chưa có việc làm, không có thu nhập trong thời gian chờ đợi. Ngoài ra việc tuyển chọn nhỏ giọt do quy trình đi làm việc tại Hàn Quốc phải qua nhiều giai đoạn… Tuy chi phí tham gia chương trình thấp nhưng NLĐ phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, số tiền này vượt khả năng nhiều LĐ tại miền Tây. Các đối tượng như quân nhân xuất ngũ, hộ khó khăn, hộ cận nghèo, chiếm đa số trong những người muốn đi làm ở nước ngoài nhưng lại khó khăn về tài chính; chưa có cơ chế chính sách để được hỗ trợ khi dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài”…
Để khắc phục những hạn chế, đại diện các Sở LĐ-TB&XH đều đề xuất đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu chương trình làm việc tại nước ngoài đến với người dân; phổ biến các yêu cầu, điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ khi tham gia các chương trình này. Riêng với chương trình EPS, các địa phương mong TTLĐNN tranh thủ với đối tác Hàn Quốc bổ sung chỉ tiêu và dành nhiều chỉ tiêu hơn nữa cho địa phương, để thu hút NLĐ tham gia chương trình. Kéo dài thời hạn kết quả đạt kỳ thi tiếng Hàn để NLĐ giảm tốn kém chi phí.
Ông Nguyễn Ngọc Phước – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang đề nghị: “Đối với các Chương trình EPS, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phân bổ chỉ tiêu và thông báo sớm thời gian tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho các địa phương nhằm chủ động hơn trong việc đào tạo, dự nguồn cũng như thu hút NLĐ tham gia. Đối với các thị trường khác, đề nghị Bộ LĐ-TT&XH, TTLĐNN cung cấp sớm thông tin để phát triển các thị trường mới cho các địa phương”.
Ông Nguyễn Ngọc Phước – Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ LĐTB-XH phân bổ chỉ tiêu đối với các chương trình EPS
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ Trần Thị Xuân Mai cũng kiến nghị: “Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ sẽ tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm, trong đó có chính sách cho phép NLĐ vay ưu đãi ký quỹ… (dự kiến trình tại Kỳ họp HĐND TP. cuối năm 2023). Kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đồng thuận cho TP.Cần Thơ được thành lập "Sàn giao dịch việc làm điện tử cấp vùng". Xem xét mở cơ sở đào tạo và tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho NLĐ phía Nam tại TP.Cần Thơ (căn cứ vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, giao thông thuận lợi: đường hàng không, đường bộ, đường thủy…)”.
Ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng: Cần xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương như: Hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ phù hợp với nhu cầu của thị trường ngoài nước; hỗ trợ cho các đối tượng thuộc chính sách chung của Nhà nước và của riêng từng địa phương; xây dựng cơ chế gắn kết giữa các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan ghi nhận và thống nhất với hầu hết các giải pháp và kiến nghị của các đại biểu; đồng thời giao TTLĐNN phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) các tinh/thành phố khu vực phía nam có phương án tuyển chọn đúng đối tượng, phù hợp với đặc thù của các địa phương phía Nam. Đặt phòng thi ngoại ngữ tại khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ khu vực phía nam tham gia các chương trình. “Đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trinh do TTLĐNN thực hiện và NLĐ hết hạn hợp đồng về nước; kết nối, chia sẻ cơ sơ dữ liêu NLĐ với các đơn vị chức năng thuộc Bộ và các Sơ LĐ-TB&XH, TTDVVL các địa phương, các doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tiếp nhận lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp. Đối với các tổ chức quốc tế đang phối họp với TTLĐNN tiếp nhận NLĐVN, tôi đề nghị hỗ trợ NLĐ khu vực phía Nam trong học và thi ngoại ngữ như hồ trợ kinh phí, giáo trình, giáo viên, tình nguyện viên… Đề nghị Đại sứ quán Hàn Quốc quan tâm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ LĐ-TB&XH và tạo điều kiện thúc đẩy các Chương trình phái cử tiếp nhận LĐ/VN đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó chú trọng Chương trình phi lợi nhuận. Quan tâm thúc đẩy các giải pháp nhằm giảm thiểu số lượng LĐ Việt Nam tự ý ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động” – Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Đan Phượng
Bình luận (0)