Với nhiều điểm mới trong việc xét tuyển ĐH năm 2022 cũng như sự điều chỉnh trong phương thức tuyển sinh của một số trường, người học cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin để tăng cơ hội trúng tuyển.
Người học cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường để tăng cơ hội trúng tuyển
Lời khuyên trên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 14 năm 2022 diễn ra tại một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM mới đây (Hiệp Bình, Giồng Ông Tố, Đào Sơn Tây…). Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Lựa chọn tổ hợp phù hợp với việc xét tuyển ĐH
Thông tin đến học sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, ThS. Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) cho hay, kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm 2021, học sinh tham gia sẽ làm 3 bài thi bắt buộc cùng bài thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên/khoa học xã hội. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã công bố đề minh họa giúp học sinh làm quen với cấu trúc, hình dạng, độ khó của đề thi. Nội dung kiến thức tinh giản trong quá trình học trực tuyến sẽ không ra trong đề thi năm nay. “Căn cứ vào đề minh họa này, các em đánh giá lại khả năng học tập của mình để xây dựng lộ trình học tập phù hợp hơn. Với những học sinh chưa chọn được tổ hợp môn phù hợp thì các em cũng nhanh chóng đánh giá lại năng lực, sở thích, nguyện vọng để chọn lựa tổ hợp môn phù hợp. Đặc biệt, khi chọn lựa tổ hợp môn thì phải cân nhắc để phù hợp với việc xét tuyển vào các trường ĐH”, ThS. Nguyễn Công Kỳ khuyên.
Cũng theo ThS. Nguyễn Công Kỳ, quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 dự kiến không thay đổi, kỳ thi sẽ diễn ra vào đầu tháng 7 theo điều kiện dịch bệnh. Dù vậy, năm nay việc xét tuyển vào các trường ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có một số thay đổi mang tính kỹ thuật giúp học sinh thuận lợi hơn: Học sinh được đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT và được chuyển đổi đăng ký bằng hình thức trực tuyến hoàn toàn. “Đây là điểm mới quan trọng mà học sinh cần phải cập nhật để có sự chủ động, tìm hiểu khi đăng ký nguyện vọng trường ĐH. Phương thức xét tuyển ĐH về cơ bản là ổn định song cũng được một số trường điều chỉnh phù hợp hơn với điều kiện đào tạo cũng như đặc thù ngành đào tạo của trường. Vì thế, quan tâm đến trường nào các em cần phải thường xuyên vào website của trường đó để nắm bắt, tìm hiểu thông tin nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển”, ThS. Nguyễn Công Kỳ nhấn mạnh.
Không giỏi tiếng Anh có theo được các ngành học bằng tiếng Anh?
Trong chương trình tư vấn, nhiều học sinh nêu băn khoăn, bản thân chưa giỏi tiếng Anh thì có thể theo học được các ngành đào tạo bằng tiếng Anh không? Trước băn khoăn này của học sinh, TS. Trần Chí Chinh (Phó Trưởng khoa Ngân hàng, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) khẳng định, đây là thắc mắc chung của rất nhiều học sinh khi lựa chọn ngành học vì không phải em nào cũng có sẵn năng lực tiếng Anh ngay từ đầu để tự tin chọn lựa, theo học các ngành đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Dù vậy, theo TS. Trần Chí Chinh, với chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh như chương trình đào tạo quốc tế tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sinh viên sẽ được tăng cường đào tạo tiếng Anh, giúp người học chỉ từ 1-1,5 học kỳ là đủ kỹ năng tiếng Anh để theo học. “Cùng với sự hỗ trợ của nhà trường thì điều quan trọng vẫn là sự chủ động, tự học, kiên trì bền bỉ của người học, để làm sao không chỉ theo học được chương trình mà còn có thể tự mình nghiên cứu tài liệu, nâng cao chuyên môn”, TS. Trần Chí Chinh nêu rõ.
Cạnh đó, vấn đề làm thế nào để chọn được một ngành học ở một trường ĐH phù hợp khi ngành học đó được nhiều trường đào tạo cũng là băn khoăn được nhiều học sinh gửi đến các chuyên gia tư vấn. Giải đáp băn khoăn này, ThS. Bùi Thị Hoài (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận định, hiện tại với xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực thì cùng một ngành học sẽ được đào tạo tại rất nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, ở mỗi trường sẽ đào tạo theo một hướng chuyên sâu khác nhau, phù hợp với đặc thù đào tạo của từng trường. Ví dụ, ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Luật TP.HCM được đào tạo khác với ngành ngôn ngữ Anh của các trường ĐH khác. Ngành học và trường đào tạo phù hợp trước hết phải phù hợp với năng lực bản thân và mục tiêu nghề nghiệp sau này của người học.
Theo các chuyên gia tư vấn, cùng một ngành học nhưng mỗi trường ĐH sẽ đào tạo theo hướng khác nhau
Với thắc mắc của học sinh về ngành tài chính ngân hàng, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) chia sẻ, đây là ngành học có rất nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện tại ngành học này đang được Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM đào tạo theo 3 chuyên ngành là ngân hàng, tài chính doanh nghiệp và bảo hiểm. “Năm 2022, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM tuyển sinh theo các phương thức sau: Điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, điểm học bạ… Dù trúng tuyển bằng phương thức nào thì các em cũng học cùng một chương trình đào tạo trong mỗi ngành học, giá trị bằng cấp là như nhau. Vì vậy, các em hãy tận dụng các phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển”, ThS. Nguyễn Ngọc Thạch thông tin. Tương tự, với câu hỏi của một số học sinh “Làm thế nào để học song song 2 ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và tiếng Nhật”, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, người học hoàn toàn có thể theo học cùng lúc 2 ngành này tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Trong đó, với ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, sinh viên được trang bị kiến thức trong lĩnh vực công nghệ, điện – điện tử, tự động hóa. Nhà trường đã đầu tư xưởng với nhiều loại ô tô để sinh viên thực hành trong quá trình học cũng như được trực tiếp tham quan các phân xưởng lắp ráp ô tô, cơ khí để hình dung… “Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đang liên kết với Hội Doanh nghiệp Nhật Bản thành lập Viện Công nghệ Việt Nhật, hỗ trợ sinh viên học chuyên ngành và học tiếng Nhật. Cơ hội việc làm vô cùng rộng mở. Mặc dù vậy, để theo học thì các em phải là người yêu thích tiếng Nhật và có năng khiếu để theo đuổi”, ThS. Nguyễn Xuân Luyện chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)