Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn lựa chọn ngành nghề, phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2023. Tuy nhiên, các em cần tìm hiểu kỹ thông tin xét tuyển để không rơi vào trường hợp đáng tiếc chỉ vì hiểu nhầm thông tin.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường Trung học Thực hành
Đó là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 diễn ra tại Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Kỳ thi đánh giá năng lực mỗi trường mỗi khác
Trong chương trình, một học sinh nam hỏi: “Em có dự định xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, vậy em phải chuẩn bị như thế nào”. TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, sau một thời gian xem xét kỹ lưỡng, ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội đã thống nhất chủ trương công nhận kết quả thi đánh giá năng lực của nhau để sử dụng trong công tác tuyển sinh năm 2023. Như vậy, thí sinh có thể dùng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM để xét tuyển vào các trường có sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội không tổ chức tại TP.HCM và kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM cũng không tổ chức tại Hà Nội nên thí sinh muốn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực trái tuyến phải di chuyển đến nơi đó. “Muốn thi đánh giá năng lực trái tuyến, các em cần xác định thật kỹ mình tham gia để làm gì, có cơ hội trúng tuyển hay không, yêu cầu của kỳ thi đối với thí sinh trái tuyến như thế nào? Nếu thật sự không cần thiết, các em nên chọn cách xét tuyển dễ dàng, tiện lợi nhưng cơ hội trúng tuyển vẫn cao”, TS. Lê Thị Thanh Mai khuyên.
Lý giải cho học sinh hiểu rõ về phương thức đánh giá năng lực của trường, TS. Lâm Thanh Minh (quyền Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho hay, năm nay Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM không giống như các trường khác vì trường sẽ đánh giá năng lực chuyên biệt. Chẳng hạn, thí sinh dự thi vào ngành sư phạm toán học sẽ được đánh giá năng lực toán học để khẳng định mức độ phù hợp với ngành học cũng như khả năng tiếp thu các kiến thức ngành trong quá trình học tập ở bậc ĐH. Tương tự, với các ngành khác như hóa học, vật lý, sinh học, nhóm ngành ngoại ngữ… cũng được đánh giá như vậy. “Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức 2 đợt: Đợt 1 diễn ra từ ngày 26 đến 28-5; đợt 2 từ ngày 9 đến 11-6”, TS. Lâm Thanh Minh thông tin.
Có chứng chỉ ngoại ngữ là một lợi thế
Trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2023, ngoài các phương thức tuyển sinh cơ bản, một số trường còn yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ như điều kiện cần để xét tuyển. Để hiểu rõ hơn về phương thức này, một học sinh hỏi: “Em có chứng chỉ IELTS 6.0, nếu xét tuyển bằng phương thức dùng chứng chỉ ngoại ngữ thì chứng chỉ này sẽ được quy điểm như thế nào? Học ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học môn báo cáo tài chính không?”. Ông Vương Vĩnh Đạt (Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) cho biết, nếu học sinh đã có chứng chỉ IELTS 6.0 thì khi xét tuyển, chứng chỉ này sẽ được quy đổi thành điểm 10. Nếu học sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 thì được quy đổi thành 9 điểm và IELTS 5.0 được quy đổi thành 8 điểm khi xét tuyển. Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành học thuộc Khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa. Học ngành này, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về cơ khí và điện để ra trường có thể phân tích, đánh giá, thiết kế, vận hành, cải tiến hệ thống công nghiệp. “Trong quá trình đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên sẽ được học các môn bắt buộc và tự chọn. Với môn tự chọn, các em có thể chọn môn báo cáo tài chính như ý muốn để tích lũy đủ học phần, tín chỉ”, ông Vương Vĩnh Đạt chia sẻ.
Một học sinh nữ Trường Trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đang nhờ chuyên gia giải đáp thông tin trong việc chọn phương thức xét tuyển
Giải đáp thắc mắc cho một số học sinh về ngành khoa học máy tính, ông Võ Phước Đạt (đại diện Trường Swinburne Việt Nam) cho biết, đây là ngành học thuộc lĩnh vực khoa học máy tính. Sinh viên học ngành này phải học 24 môn với 300 tín chỉ trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, các em sẽ học chương trình “công dân toàn cầu”. Sau khi hoàn thành chương trình này, các em sẽ bước vào chuyên ngành. Để trúng tuyển vào Trường Swinburne Việt Nam, học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT với điểm trung bình từ 7.0 (trừ môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất) kèm chứng chỉ IELTS 6.0. Chương trình đào tạo của Trường Swinburne Việt Nam theo tiêu chuẩn của Trường Swinburne Úc; khi học, sinh viên sẽ thụ hưởng những giá trị mà Trường Swinburne Úc mang lại.
Thông tin cho học sinh về các phương thức xét tuyển của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ThS. Hoàng Thanh Tú (Phó Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông nhà trường) cho biết, năm 2023 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tuyển sinh nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sự sống như: Địa chất, môi trường, điện tử viễn thông, hóa học, công nghệ thông tin… Theo đó, trường tuyển sinh với các phương thức sau: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ. “Trường ĐH Khoa học Tự nhiên có 2 chương trình đào tạo cơ bản là đại trà và chất lượng cao. Chương trình đào tạo chất lượng cao sĩ số lớp ít, học phí cao nhưng môi trường đào tạo tốt, trang thiết bị học tập hiện đại. Trong khi đó, chương trình đại trà có học phí thấp nhưng điều kiện học tập không sánh bằng chương trình chất lượng cao. Tuy nhiên, dù học chương trình nào thì sinh viên tốt nghiệp vẫn được cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư”, ThS. Hoàng Thanh Tú nói.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)