Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi du học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lựa chọn con đường du học để học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT được không ít học sinh quan tâm. Tại các buổi tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 9 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức, Ban tư vấn đã giải đáp, hướng dẫn cặn kẽ cho các em về vấn đề này.

Một học sinh nữ lớp 12A5 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) đặt câu hỏi cho Ban tư vấn

Một học sinh lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM) băn khoăn: “Sau khi học hết lớp 12 em có dự định du học Mỹ nhưng lại chưa rõ các điều kiện về trình độ văn hóa, tiếng Anh như thế nào?”. Tương tự, một học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) cũng hỏi: “Muốn du học tại Canada thì có cần chứng minh tài chính không? Đất nước này có những chế độ gì cho sinh viên quốc tế?”.

Liên quan đến du học Mỹ, bà Phạm Hồng Cẩm (đại diện Trung tâm Anh ngữ ASEC) cho biết có hai hướng để học sinh theo đuổi du học ở quốc gia này. Theo đó, một hướng tự túc và một hướng học bổng. Đối với hướng du học tự túc, chỉ cần người học có học lực trung bình trở lên. Còn trường hợp học bổng phải có lực học giỏi, đáp ứng chứng chỉ IETLS 6.0 trở lên để có thể dễ dàng hòa nhập cuộc sống và việc học tập ở Mỹ. Nhiều học sinh Việt Nam đã nỗ lực đáp ứng các điều kiện, giành nhiều suất học bổng để giảm chi phí học tập và tăng cơ hội du học.

Riêng đối với đất nước Canada, ông Nguyễn Tiến Sơn (thành viên đến từ Trung tâm Anh ngữ ASEC) thông tin: “So với các quốc gia khác, hiện nay Chính phủ Canada có nhiều chính sách tốt cho học sinh du học. Ngoài điều kiện phải đạt IETLS 5.0 trở lên thì bất kỳ những ai muốn du học chỉ cần đóng học phí 1 năm, không cần phải chứng minh tài chính như các năm trước. Bên cạnh đó, khâu xử lý và làm hồ sơ xin visa du học Canada rất linh hoạt, đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh tìm hiểu và chọn lựa các khóa học phù hợp. Đối với sinh viên quốc tế thuộc các chương trình CĐ trở lên, sau khi tốt nghiệp sẽ được ở lại Canada từ 1 đến 3 năm tìm việc làm. Trong quá trình làm việc, có thể nộp hồ sơ xin định cư tại quốc gia này và hưởng nhiều phúc lợi”.

Theo các thành viên Ban tư vấn, hiện nay du học luôn có sức hút lớn đối với đa số học sinh. Đặc biệt trước xu hướng hội nhập quốc tế, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, vững ngoại ngữ và am tường về văn hóa thế giới ngày càng trở nên cấp thiết. Theo đó, du học được xem là điều kiện tiếp cận, trải nghiệm những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, mở ra cơ hội việc làm tốt.

Làm sao biết chất lượng đào tạo của một trường cũng như cơ hội nghề nghiệp khi ra trường? Vì hiện nay các trường công lập vẫn được đánh giá cao về chất lượng đào tạo hơn những trường dân lập, và học trường dân lập ra khó tìm việc làm? – Trần Hải Phúc (lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM)

– Ông Trà Thanh Trung (Trưởng phòng ĐH, Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM) trả lời: Hiện cả nước có hơn 400 trường CĐ, ĐH, theo đó chất lượng giáo dục đào tạo tại các trường đều như nhau. So với các trường dân lập, trường công lập có lợi thế là thành lập lâu đời, còn các trường dân lập phần lớn mới thành lập. Tuy nhiên, các trường dân lập được thừa hưởng, kế thừa các kinh nghiệm hoạt động đào tạo từ các trường công lập vì thế không thể đánh giá chất lượng đào tạo là không tốt. Đặc biệt hiện nay, Bộ GD-ĐT đang kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo các trường phải đảm bảo các yêu cầu nên các em đừng quá lo lắng. Về cơ hội việc làm, quan trọng ngay từ bây giờ, các em phải chọn đúng ngành nghề, đúng trường, phù hợp với đam mê, năng lực bản thân cũng như nhu cầu lao động của xã hội. Mặt khác, trong quá trình học tập cần có sự rèn luyện các kỹ năng mềm cũng như trau dồi ngoại ngữ thì cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp luôn cao.

Minh Phương (ghi)

Một khảo sát mới đây của EasyUni trên 200 học sinh về xu hướng chọn lựa trường ĐH cho thấy, 41% học sinh được hỏi có dự định học ĐH trong nước; trong khi đó, 59% có xu hướng du học nước ngoài. Đáng lưu ý, có đến 79,6% trong nhóm đối tượng đồng ý học tập trong nước sẵn sàng chuyển tiếp sang hình thức du học khi có cơ hội. Mục đích lựa chọn du học là cách để được trải nghiệm, cọ xát thực tế vào chuyên ngành đang học tập ở nước sở tại. Bên cạnh đó, có đến 19,3% học sinh chia sẻ, đầu tư du học là để đổi lấy tấm bằng có giá trị quốc tế, tạo điều kiện dễ dàng cho công việc sau này.

Tuy nhiên, để việc du học đạt hiệu quả, tránh những khó khăn nhất định thì người có nhu cầu du học cũng nên lựa chọn một ngành nghề phù hợp với đam mê, năng lực bản thân, khả năng tài chính và đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Bà Phạm Hồng Cẩm nhấn mạnh: “Dù có theo học ở dạng tự túc hay học bổng, nếu người học không đam mê, không đủ năng lực thì khó phát huy năng lực trong quá trình học. Kéo theo đó là những ảnh hưởng về cơ hội việc làm, cuộc sống… sau này”.

Theo các thành viên Ban tư vấn, một số du học sinh đã gặp những khó khăn trong việc hòa nhập văn hóa, ngôn ngữ. Nguyên nhân là do thiếu hụt về thông tin văn hóa đất nước bản xứ. Để hòa nhập và học tập tốt, học sinh cần tìm hiểu kỹ thêm về đời sống văn hóa, chi phí sinh hoạt học tập… tại đất nước cần đến để tránh sự bỡ ngỡ.

Trinh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)