Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tìm hiểu mục từ có âm đầu “gi” trong Đại Nam quấc âm tự vị

Tạp Chí Giáo Dục

1.Huỳnh Tịnh Paulus Của (Huỳnh Tịnh Của, 1834-1907), hiệu Tịnh Trai, quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), là một nhà văn hóa học và ngôn ngữ học có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam bộ. Ông tinh thông cả tiếng Hán và tiếng Pháp. Năm 1861, ông được bổ nhiệm Ðốc phủ sứ, làm Giám đốc ty phiên dịch văn án ở Soái phủ Sài Gòn. Ngoài công việc của một viên chức Chính phủ, ông còn lưu tâm dành nhiều thời gian nghiên cứu chữ quốc ngữ. Năm 1865, ông thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ công báo quốc ngữ Gia Ðịnh báo trong một thời gian ngắn. Tuy tinh thông cả Pháp văn lẫn Hán văn, nhưng hầu hết các tác phẩm của ông được viết bằng chữ quốc ngữ, vào thời bấy giờ vẫn chưa được coi trọng và bị đánh giá thấp hơn so với chữ Hán hay chữ Pháp. Ông từng đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và gửi một bản điều trần cho vua Tự Đức, yêu cầu cho xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục quần chúng, nhưng không được chấp nhận. Ông là một trong số ít người “Tây học” đầu tiên trước tác bằng chữ quốc ngữ để truyền bá học thuật phương Tây, nhưng vẫn không quên phổ biến văn hóa phương Đông cổ truyền.

Huỳnh Tịnh Của sáng tác khá nhiều và đa dạng, nhưng trong số những tác phẩm của ông, nổi bật nhất là pho Đại Nam quấc âm tự vị (Đại Nam quốc âm tự vị). Đây là quyển tự vị tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam, do người Việt Nam biên soạn, được in lần đầu tại Sài Gòn vào các năm 1895, 1896, sau đó được tái bản nhiều lần. Ấn bản mới do NXB Trẻ in vào năm 1998 bao gồm hai tập, dày 1.210 trang, tập 1 gồm 608 trang, tập 2 gồm 602 trang.

2.Đề tài tiến hành khảo sát các mục từ có âm đầu “gi” trong Đại Nam quấc âm tự vị, từ trang 354 đến trang 387, thống kê được 193 mục từ đơn tiết theo quan điểm của tác giả “trong ấy thích chữ một, nghĩa một”; mỗi mục từ đơn này lại kèm theo nhiều mục từ đa tiết hoặc tổ hợp từ, tổng cộng có đến hàng ngàn mục từ. Qua khảo sát, chúng ta nhận ra nhiều điều lý thú về ngôn ngữ tiếng Việt ở thế kỷ 18, trên cơ sở đó có thể lý giải một vài hiện tượng tồn nghi trong từ vựng tiếng Việt.

Từ vựng trong Đại Nam quấc âm tự vị khá phong phú. Ví dụ như từ “giấy” có kèm theo đến 46 từ phức/tổ hợp từ khác nhau, thể hiện rõ ý thức tìm tòi công phu của người biên soạn. Nó còn bao gồm các từ ngữ văn chương toàn dân, rút ra từ các áng văn chương bác học và bình dân, mà cả ngôn ngữ bình dân, đặc biệt là những từ ngữ có màu sắc địa phương được sử dụng nhiều ở Nam Kỳ và Trung Kỳ thời bấy giờ, góp phần làm sáng tỏ rất nhiều khúc mắc ngôn ngữ học hiện nay. Qua các dẫn liệu ta có thể hiểu biết thêm về văn hóa, nguồn gốc phong tục tập quán dân tộc; ví dụ, “Giấy đắp mặt: Giấy đậy mặt kẻ chết, thường dùng ba tờ làm ba lớp, kẻ giàu sang thì dùng lụa trắng cũng ba lớp, ấy là noi theo sự vua nước Ngô kêu là Phù-ta giết kẻ trung lương mà phải mất nước, cùng phải tự vận, sợ để mặt ra xuống âm phủ mà hổ thẹn. (Coi chữ đắp: có kẻ hiểu đắp mặt ấy là không cho kẻ chết thấy bà con cùng trở về mà bắt)”. Giải thích địa danh “Cây giá: Thứ cây lớn có bông thơm, ong mật hay ăn, đất Rạch Giá có nhiều”. Hoặc có thể tham khảo về những vấn đề tồn nghi, ví như từ Giao chỉ: “Thường hiểu là một thứ người ở phía Bắc, hai ngón chưn cái chè rè đối lại với nhau, chính là người An Nam thuở trước, song tra trong “Hải quốc đồ chí” thì là đất Giao chỉ ở gần đất Giao cang, khỏi địa phận Quảng Tây, chữ chỉ ấy () chỉ nghĩa là “nền”, không phải chữ chỉ là “ngón chưn” ()”. Giải thích điển tích “nằm giá khóc măng”. “Giá: Nước đông lại, nước giá. Nằm giá khóc măng: Nằm dưới nước đông, khóc cho măng mọc: ấy là hai tích trong nhị thập tứ hiếu, nói một người đang tiết đông xuống nằm dưới nước chờ cá lại mà bắt cho mẹ ăn; một người thấy mẹ muốn ăn măng, đương tiết khô khan, ngồi bên bụi tre mà khóc, đổ nước mắt xuống, măng liền mọc lên”. Tự vị còn giúp phân biệt cặp từ giứa – dứa có nghĩa khác nhau, định danh các sự vật khác nhau, mà hiện nay từ giứa đã trở thành từ cổ, chỉ còn từ dứa. Hoặc phân biệt cặp từ giừa – dừa, cũng tương tự như trường hợp trên – có nghĩa khác nhau, định danh các sự vật khác nhau, mà hiện nay từ giừa đã trở thành từ cổ, chỉ còn từ dừa. Có trường hợp nhiều từ đã mất hẳn, có hoặc chưa tìm thấy dấu vết trong tục ngữ, ca dao/văn thơ cổ, ví dụ từ “gí” được nêu rõ trong Đại Nam quấc âm tự vị. “Gí: Chỗ chéo khăn, chéo lụa hàng người ta hay làm dấu riêng, hay để trắng không cho nhuộm màu gì. Gí áo: Dấu riêng cái áo. Gí khăn: Chéo khăn có làm dấu” [tập 1, trang 354]. Nhiều từ lâu nay còn phân vân, nay đã phân định rõ viết đúng chuẩn là âm đầu “gi/d”, như: giấm chua, giập nát, mài giũa, dùi mài, dành dụm, dềnh dàng…

Ngoài ra, Đại Nam quấc âm tự vị còn giúp tìm hiểu một số từ ngữ, điển cố còn tồn nghi. Tác giả không chỉ vắn tắt giảng nghĩa từ, mà nhiều khi còn chú dẫn minh họa cho rõ nghĩa thêm, với các câu tục ngữ, ca dao, những câu thơ Kiều… Ví như câu tục ngữ quen thuộc: “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ bồ ăn nan, thợ hàn ăn thiếc”, ta nên hiểu từ “giẻ” trong câu tục ngữ trên nghĩa là gì? Nhiều từ điển hiện nay đều giải thích giẻ là: Mảnh vải vụn hoặc quần áo rách thải ra (giẻ lau nhà, miếng giẻ rách, lấy giẻ lau xe). Theo hầu hết mọi người thì “giẻ” được hiểu như nghĩa từ điển đã nêu trên là các thứ vải vụn hoặc quần áo rách phế thải dùng làm nùi giẻ, giẻ chùi, giẻ lau… Thực tế, không cần rõ nghĩa từ “giẻ” thì ai cũng hiểu không sai ý nghĩa chung của câu tục ngữ đó: “thợ nghề nào cũng kiếm chác được của khách hàng trên khoản vật liệu dùng cho nghề ấy/làm nghề nào ăn nghề ấy”. Nhưng cũng còn đôi chút băn khoăn: Nghề thợ may (ngày xưa), “kiếm chác” từ vải, chứ “ăn” được gì từ giẻ rách – một loại phế phẩm chẳng có bao nhiêu giá trị kinh tế? Mà nếu thay từ giẻ bằng từ vải thì không hợp vần của câu tục ngữ: “Thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ…”. Trong khi đó, Đại Nam quấc âm tự vị thì chú giải: “Giẻ: Tiếng kêu chung các thứ hàng tơ chỉ; một manh, một miếng hàng vải xé ra”. Vậy rõ ràng trong câu tục ngữ nói trên giẻ là một từ cổ vốn có nghĩa từ vựng nói chung: giẻ = các loại vải vóc, tơ lụa… nói chung. Nghĩa này hiện nay đã mất, và nghĩa của từ đã chuyển thành nghĩa chỉ “giẻ rách” chứ không còn chỉ “vải nói chung” nữa, khiến cho thợ may ăn giẻ có vẻ không ăn nhập mấy với phần còn lại của câu tục ngữ và với ý nghĩa chung của cả câu.

Đại Nam quấc âm tự vị còn dẫn thêm câu tục ngữ: “Mua áo thì rẻ, mua giẻ thì mắc” (đắt). Giẻ ở đây vẫn là “vải nói chung”, không phải giẻ lau, giẻ rách nên mua mới đắt, đúng như Đại Nam quấc âm tự vị giải thích: “Áo bận rồi muốn bán lại phải tính nhẹ tiền hơn hàng giẻ còn nguyên”.

3.Đại Nam quấc âm tự vị đã có những đóng góp đáng ghi nhận về một số vấn đề ngôn ngữ học: Thứ nhất, xác định chuẩn chính tả một số từ ngữ có phụ âm đầu “gi” ổn định suốt hơn 100 năm qua, từ đó giúp ta phát hiện lỗi sai chính tả phụ âm đầu d/gi. Thứ hai, xác định tình trạng một số từ ngữ có phụ âm đầu d/gi lưỡng khả tồn tại từ thế kỷ 19 đến nay. Thứ ba, góp phần cung cấp cứ liệu trong việc tìm hiểu từ cổ, phương ngữ, địa danh, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, văn thơ cổ, nguồn gốc phong tục tập quán từ xa xưa của dân tộc.

Đại Nam quấc âm tự vị đã ra đời ngót 130 năm (1895-2024) nhưng vẫn khẳng định được những giá trị to lớn của nó đối với giới ngôn ngữ học, nhất là với những nhà nghiên cứu quan tâm đến lịch sử chữ quốc ngữ. Nó đã và sẽ luôn là cuốn sách gối đầu giường của các thế hệ nhà ngôn ngữ học, góp phần cung cấp nhiều cứ liệu quý báu trong việc tìm hiểu về chữ quốc ngữ trong buổi đầu hình thành và quá trình phát triển, đặc biệt là về phương ngữ Trung bộ, Nam bộ và nhiều vấn đề khác của Việt ngữ học hiện đại.n

ThS. Đ Thành Dương

Bình luận (0)