Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tìm hiểu về hiện tượng Việt hóa từ mượn

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếng Vit có mt s vn t gc nưc ngoài không nh. Đu tiên là tn t tiếng Hán, do thi k thuc đa kéo dài hơn 1.000 năm và rt nhiu đt giao lưu văn hóa gia hai nưc, hai dân tc.


Giáo viên dy môn ng văn cn nghiên cu v t mưn đ truyn cho hc sinh tinh thn ham tìm hiu v t mưn và s Vit hóa t mưn, qua đó góp phn lan ta tình yêu tiếng Vit hơn. Ảnh: Anh Khôi

Trong đó, việc tiếp thu và học tập mô hình giáo dục của Trung Quốc đã khiến trong ngôn ngữ nước ta, từ có gốc Hán rất lớn, nhưng điều thú vị là ông cha ta đã Việt hóa một số đáng kể và biến nó thành tiếng Việt, đến độ ngày nay ít nhiều mất dấu vết tiếng nước ngoài của nó. Có tìm từ nguyên và căn cứ trên các phương thức chuyển hóa mới có thể xác định được nguồn gốc Hán của những từ đó. Bên cạnh đó, dân tộc ta rất sùng đạo Phật và cũng đã tiếp thu kinh Phật, văn hóa Phật giáo không ít. Rải rác từ thời Bắc thuộc, đến thời Tiền Lê, văn hóa Phật giáo ngày càng giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân ta. Sang thời nhà Lý, đạo Phật gần như trở thành quốc giáo, bản thân các vua nhà Lý thi hành nhiều chính sách mềm dẻo, nhân từ từ đạo Phật; sang đến nhà Trần thậm chí có vua Trần còn đi tu và khai sáng một hệ phái Phật giáo ở nước ta. Chính vì vậy, tiếng Việt cũng đã tiếp thu nhiều từ vựng có nguồn gốc Phật giáo và từ Ấn Độ.

Sang thế kỷ XVI, ông cha ta dần Nam tiến, có tiếp biến văn hóa Chăm rồi văn hóa Khmer để tiếp tục bổ sung nhiều vốn từ vựng có nguồn gốc từ các dân tộc này. Đến thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và đô hộ nước ta, đem tiếng Pháp và một số ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Latin vào nước ta. Sau nữa, khi Mỹ đưa quân xâm lược miền Nam, văn hóa và tiếng Anh cũng xâm nhập trên diện rộng, chúng ta lại tiếp tục có những từ mượn và trong số đó đã có những từ được Việt hóa một cách rất tinh tế. Đương nhiên, tiếng Việt còn có từ mượn từ nhiều nguồn khác nữa.

Theo một thống kê năm 1972, tiếng Việt có khoảng hơn 60% có gốc Hán;  một thống kê khác vào năm 1992 cho biết có khoảng hơn 2.000 từ gốc Pháp được sử dụng tại Việt Nam; bên cạnh đó có khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000) từ mượn chủ yếu từ tiếng Anh. Nhiều từ trong số đó đã được Việt hóa và xu hướng Việt hóa chưa bao giờ dừng lại.

Từ gốc tiếng Trung Quốc nói chung được Việt hóa có rất nhiều. Người trong Nam bộ hay gọi “cha mẹ” là “ba má”. Đây là từ mượn từ pa và má trong tiếng Quảng Đông. Còn từ “tía” (tức là “cha”) lại mượn từ tia trong tiếng Triều Châu (còn được gọi là tiếng Tiều). Hay chính từ cha và bố cũng đã được Việt hóa (trong nhận thức) từ gốc tiếng Hán. Về điều này, học giả An Chi đã đúc kết trong một bài viết đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 170, ngày 10-4-1995: “Tóm lại, bố (= cha) là một từ Việt gốc Hán, nằm trong hệ thống những từ Việt gốc Hán dùng để chỉ quan hệ thân tộc: tổ, cụ, kỵ, ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, bá, cô, dì, cậu, mợ, thím dượng, anh, chị, con, cháu. Vậy, thật là nhầm lẫn khi nhạo báng cách gọi bố bằng ba và mẹ bằng má mà cứ ngỡ rằng bố và cha mới là từ “thuần Việt”, còn ba và má thì lại lai Tây!” (1).

Ở Nam bộ, việc vay mượn từ tiếng Khmer rất nhiều. Ông cha ta đã Việt hóa không ít từ, đến độ nhiều người ngỡ chúng là từ thuần Việt. Chẳng hạn, tên gọi các loài động thực vật thì có trái cà na có nguồn gốc từ chữ “kana”; loài ó, diều được gọi con “ác là”, tiếng Khmer có “ak” hay “k-ak” là con diều; cá chốt (trey kanchos), cá lóc (trey rot), cá thát lát (trey slat), cá chài sóc (trasork), cá he (cahe), cá bông lau (trey bonglao)… Trong sinh hoạt hằng ngày, có nhiều vật dụng, đồ dùng trong gia đình được gọi bằng phiên âm tiếng Khmer, như cái hủ hay tĩn cũng được gọi là cái “cà om” (từ “ko-om” là một loại đồ dùng đựng nước); cái cà ràng gốc từ “kran” là một loại bếp lò làm bằng đất sét nung, phía dưới có đáy chứa tro và than. Cái lọp gốc là “lộp”, một loại dụng cụ đan bằng tre dùng để bắt cá, tôm. Từ “mình ên” vốn có nguồn gốc từ chữ “êng” hay “k-êng” có nghĩa là một mình; gặp may mắn trong việc gì đó ta hay nói gặp “hên”, tiếng Khmer có chữ “hêng”, có nghĩa là “may mắn”; giấu giếm một điều gì, người ta gọi là “ém” (ém nhẹm, ém tài, ém quân), tiếng Khmer dùng chữ “ém” với nghĩa là “giấu mất”; chữ “tòn ten” (treo tòn ten, lủng lẳng) có nguồn gốc từ chữ “tòn tenh oi cham” trong tiếng Khmer có nghĩa là lặp đi lặp lại nhiều lần…

Chúng ta hay nghe “mút chỉ cà tha”, trong đó “cà tha” vốn từ mượn từ tiếng Khmer, ban đầu có nghĩa là “xâu chuỗi hột to, dài, mang ở cổ, có tác dụng làm bùa trừ ếm tà ma quỷ quái”. Lâu dần, cà tha được hiểu là “cái bùa” nói chung. Liên quan đến từ mượn Phật giáo (vốn từ một số ngôn ngữ có nguồn gốc từ Ấn Độ), chúng ta có khá nhiều từ như a già, lưu ly, niết bàn, dạ xoa, pha lê…

Với tiếng Pháp, ông cha ta đã Việt hóa khá nhiều từ nhưng về cơ bản, dấu vết cũ vẫn còn. Chẳng hạn, chúng ta dùng từ va li chứ không phiên âm va-li từ valise; gọi búp bê chứ không viết búp-bê từ poupée; gọi gam chứ không phải gờ-ram từ gramme; gọi xăng chứ không phải là ét-xăng từ essence; gọi ê kíp chứ không viết là ê-kip từ équipe… Tức là, tiếng Việt đã được bổ sung những từ mới trên nền của từ tiếng Pháp có cách phát âm gần nhưng cách viết thì có sự cách biệt nhất định. Từ đó, chúng ta cũng nên nghĩ tới việc viết vắc xin thay vì vắc-xin từ vaccine; áo sơ mi thay vì (áo) sơ-mi từ chemise… Nhưng trên thực tế vẫn có một ít từ mất hẳn dấu vết, như sen đầm (có nghĩa là “bộ phận quân đội chuyên trách an ninh công cộng, giữ gìn trật tự và thực thi pháp luật”) vốn từ gendarme; hoặc sữa chua vốn (dịch nghĩa) từ yaourt mà ra…

Tuy nhiên, Việt hóa từ mượn tiếng Anh dường như còn ít, phải chăng khi tiếng Anh được giảng dạy và sử dụng phổ biến thì chúng ta đã bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và dân trí ngày càng được nâng cao nên nhu cầu Việt hóa không còn nhiều như trước? Nên những từ Việt hóa chỉ có oẳn tù tì vốn từ one two three, đô la từ dollar, sô từ show, phông (chữ) từ font, ti vi từ tivi… Hiện nay, chúng ta vẫn dùng rất nhiều từ nguyên gốc (gần như không phiên âm và không chuyển hóa thành cách viết của tiếng Việt), chẳng hạn internet, (nhạc) rock, (quần) jean, laptop, camera, clip… Dù vậy, từ mượn từ tiếng Mã Lai hiện vẫn còn được dùng (dù hạn chế) như mã tà vốn có gốc từ mata-mata (nghĩa là “cảnh sát”), hay xà ích (tức là “người đánh xe ngựa”) vốn mượn từ sais…

Tìm hiểu sự Việt hóa từ mượn để thấy rằng ông cha ta đã rất linh hoạt và uyển chuyển trong việc tiếp nhận từ mới có nguồn gốc nước ngoài, nhất là với những từ chưa có từ tương đương trong tiếng Việt. Sự tiếp biến đó góp phần làm giàu có thêm tiếng Việt, trong điều kiện dân tộc có sự giao lưu rất mạnh mẽ với các dân tộc khác. Nhờ vậy, tiếng Việt có sự đặc sắc riêng biệt, mang dấu ấn vùng miền rõ nét.

Do đó, giáo viên dạy các môn tiếng Việt, ngữ văn cần nghiên cứu sâu về từ mượn để truyền đến cho học sinh tinh thần ham tìm hiểu về từ mượn và sự Việt hóa từ mượn, qua đó góp phần lan tỏa tình yêu tiếng Việt đậm đà hơn!

Trúc Giang

(1) An Chi, Từ nguyên, Nhà xuất bản Tổng hợp, 2019, tr.57.

Bình luận (0)